Một số nội dung cơ bản và điểm mới của Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý

14/05/2008
Ngày 13/5/2008, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Quyết định số 05/2008/QĐ-BTP ban hành Quy chế cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây gọi chung là Quy chế) với cơ cấu gồm 6 chương, 21 điều để thay thế cho Quyết định số 358/2003/QĐ-BTP ngày 15/8/2003 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý. Bài viết này trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những nội dung cơ bản và một số điểm mới của Quy chế như sau:

Thứ nhất,  về phạm vi điều chỉnh của Quy chế, để bảo đảm tính toàn phù hợp với các quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Quy chế điều chỉnh các vấn đề liên quan đến điều kiện, thủ tục công nhận, cấp và thu hồi thẻ; hợp đồng cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của cộng tác viên; hình thức, lĩnh vực, phạm vi trợ giúp pháp lý, phương thức hoạt động và quản lý nhà nước đối với cộng tác viên; khen thưởng, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về các vấn đề có liên quan đến cộng tác viên (Điều 1). Với phạm vi điều chỉnh đó, Quy chế đã thể hiện sự bóc tách khá rạch ròi giữa phạm vi quản lý nhà nước đối với cộng tác viên của Sở Tư pháp với hoạt động quản lý và sử dụng cộng tác viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, đồng thời làm rõ hơn các quy định liên quan đến hình thức, lĩnh vực, phạm vi trợ giúp pháp lý và phương thức hoạt động của cộng tác viên.

Thứ hai, Quy chế làm rõ các quan điểm liên quan đến việc huy động cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý. Theo đó, việc tham gia trợ giúp pháp lý của cộng tác viên không chỉ khắc phục tình trạng thiếu biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước khi triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý ngày càng phức tạp và đa dạng về nhu cầu, mà còn giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật. Quy chế cũng quy định Nhà nước khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, luật sư, luật gia và các cá nhân có đủ tiêu chuẩn tham gia làm cộng tác viên, bảo đảm huy động được nguồn lực từ xã hội thực hiện xã hội hoá trợ giúp pháp lý (Điều 2).

Thứ ba,  nguyên tắc hoạt động, để làm rõ đặc thù trong hoạt động của cộng tác viên so với người thực hiện trợ giúp pháp lý khác, Quy chế quy định nguyên tắc hoạt động của cộng tác viên. Theo đó cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý trên cơ sở tự nguyện, trong phạm vi năng lực. Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên phải tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 4 Luật Trợ giúp pháp lý. Nghiêm cấm mọi hình thức lợi dụng thẻ cộng tác viên hoặc tư cách cộng tác viên vì mục đích tư lợi hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm (Điều 3).

Thứ tư, về điều kiện để làm cộng tác viên, căn cứ vào quy định người được công nhận và cấp thẻ cộng tác viên khi có đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Trợ giúp pháp lý, không thuộc trường hợp không được tham gia trợ giúp pháp lý, tự nguyện tham gia trợ giúp pháp lý thì được xem xét công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Quy chế cụ thể hoá vê thời gian làm công tác pháp luật, người có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng. So với quy định hiện hành, Quy chế có điểm mới khi quy định cụ thể các trường hợp không được làm cộng tác viên như: Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích hoặc đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục hoặc quản chế hành chính; mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực; đang bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư; bị thu hồi Giấy chứng nhận tư vấn viên pháp luật. Như vậy, so với trước đây, Quy chế không loại trừ những người đang là Kiểm sát viên, Thẩm phán, Điều tra viên. Quy định này thể hiện rất rõ chủ trương xã hội hoá trợ giúp pháp lý, huy động tất cả các các cán bộ, công chức, công dân có kiến thức hiểu biết pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Vì các đối tượng này chiếm số lượng rất lớn, không chỉ có kiến thức hiểu biết pháp luật, có năng lực và kỹ năng giải quyết các vụ việc có liên quan đến đời sống pháp luật khỏi công tác trợ giúp pháp lý mà họ còn có đầy đủ khả năng và điều kiện để đóng góp, hỗ trợ tích cực cho công tác này.

Thứ năm, về thủ tục công nhận và cấp thẻ cộng tác viên, quy chế làm rõ hơn quy định của Điều 27 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP về thủ tục công nhận và cấp thẻ cộng tác viên theo hướng mẫu hoá đơn đề nghị làm cộng tác viên, cụ thể hoá hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên. Một người muốn được công nhận và cấp thẻ cộng tác viên chỉ cần hoàn thiện gửi hồ sơ đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, nếu đủ điều kiện Giám đốc Trung tâm sẽ lập hồ sơ trình Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Nếu thiếu giấy tờ thì Trung tâm hoặc Chi nhánh nêu rõ những giấy tờ còn thiếu và đề nghị bổ sung. Sau khi đã nhận đủ giấy tờ bổ sung, Trung tâm có trách nhiệm làm thủ tục trình và đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp công nhận và cấp thẻ cộng tác viên cho người đề nghị. Nếu hồ sơ đề nghị làm cộng tác viên bị trả lại theo khoản 2 Điều 27 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP, Trung tâm thông báo và nêu rõ lý do cho người đề nghị làm cộng tác viên (Điều 5).

Như vậy, nếu như trước đây, để trở thành cộng tác viên, người có đủ điều kiện phải tiến hành ký hợp đồng cộng tác lần đầu với Trung tâm (trong thời hạn 06 tháng để đánh giá hiệu quả cộng tác của cộng tác viên), nếu hoạt động có hiệu quả thì Giám đốc Trung tâm đề nghị Giám đốc Sở Tư pháp ra quyết định công nhận và cấp thẻ thì với quy định đó, người muốn được làm cộng tác viên không nhất thiết phải ký hợp đồng cộng tác lần đầu mà cứ đủ điều kiện, đủ hồ sơ là được công nhận và cấp thẻ cộng tác viên. Quy định này nhằm tránh tình trạng tuỳ tiện của Giám đốc Trung tâm trong việc cho phép hay không cho phép một người được làm cộng tác viên, tạo ra cơ chế xin cho, quen biết trong việc công nhận cũng như quản lý và sử dụng cộng tác viên, không tạo được cơ chế để thu hút tất cả các nguồn lực có kiến thức hiểu biết xã hội tham gia trợ giúp pháp lý. Tuy nhiên, để được thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên phải tiến hành ký hợp đồng cộng tác thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm hoặc Chi nhánh của Trung tâm. Hợp đồng cộng tác chính là cơ sở pháp lý để xác định phạm vi, hình thức, lĩnh vực trợ giúp pháp lý của cộng tác viên và trách nhiệm, quyền lợi của các bên có liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý. Hợp đồng cộng tác có hiệu lực kể từ thời điểm hai bên cùng ký vào hợp đồng, trừ trường hợp trong hợp đồng có thoả thuận khác. Cộng tác viên thực hiện trợ giúp pháp lý từ thời điểm hợp đồng cộng tác có hiệu lực pháp luật. Ngoài ra, quy chế cũng quy định cụ thể về việc thay đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng cộng tác, các hậu quả pháp lý phái sinh và trách nhiệm của các bên. Khi chấm dứt hợp đồng, các bên trong hợp đồng cộng tác có trách nhiệm tiến hành thanh lý hợp đồng cộng tác.

Quy chế cũng quy định về việc thay đổi, thu hồi thẻ cộng tác viên và quy định về thời hạn sử dụng của thẻ cộng tác viên nhằm bảo đảm thuận tiện cho công tác quản lý việc sử dụng thẻ cũng như làm căn cứ để theo dõi, đánh giá việc thực hiện trợ giúp pháp lý của cộng tác viên. Theo đó thời hạn sử dụng của thẻ cộng tác viên là 03 năm kể từ thời điểm được cấp, trừ trường hợp có quyết định thu hồi thẻ của Giám đốc Sở Tư pháp (Điều 6). Quy chế còn quy định về trường hợp cấp lại thẻ (bị mất thẻ, thẻ hết thời hạn sử dụng hoặc thẻ cộng tác viên bị hỏng không còn sử dụng được) cũng như việc thu hồi thẻ khi cộng tác viên.

Thứ sáu, Quy chế mở rộng hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên không phải là luật sư bằng việc cho phép được tham gia hoà giải và hướng dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại đối với vụ việc trợ giúp pháp lý đã thực hiện bằng hình thức tư vấn pháp luật mà đối tượng vẫn có nhu cầu cử chính cộng tác viên đó. Bởi lẽ, trong thực tiễn công tác trợ giúp pháp lý cho thấy, thường thì các vụ việc tư vấn pháp luật gắn bó rất chặt chẽ với các vụ việc tham gia hoà giải và hướng dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại và ngược lại, các vụ việc hoà giải và hướng dẫn các thủ tục hành chính, khiếu nại cũng thường gắn rất chặt chẽ với các vụ việc tư vấn pháp luật. Do vậy, việc mở rộng các hình thức trợ giúp pháp lý của cộng tác viên không phải là luật sư là thật sự cần thiết (Điều 13).

Thứ bảy, quy chế cụ thể phương thức hoạt động của cộng tác viên; làm rõ phương thức hoạt động của Tổ cộng tác viên theo hướng là một hình thức hoạt động để cộng tác viên hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn nghiệp vụ với cộng tác viên khác để cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng nhau tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý. Giám đốc Trung tâm quyết định việc hình thành Tổ cộng tác viên tại cơ quan, tổ chức, địa phương khi có từ 03 cộng tác viên trở lên.

Đỗ Xuân Lân