Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi): Công khai minh bạch hơn nữa trong xây dựng, ban hành văn bản

06/05/2008
Vừa rồi, Đảng Đoàn Quốc hội đã có báo cáo Bộ Chính trị về một số vấn đề về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Về cơ bản, chúng tôi thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật để hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm phạm luật, đẩy nhanh tiến độ ban hành, nâng cao chất lượng của văn bản và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cần phân tích làm rõ hơn ở một số nội dung dưới đây.

1. Về cơ chế bảo đảm sự phù hợp nội dung dự thảo văn bản pháp luật với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng

Dự thảo luật đã quy định từ việc lập dự án chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (điều 22); nhiệm vụ của ban soạn thảo (mục d  khoản 2 Điều 28) đến nội dung thẩm tra (khoản 3 điều 39) đều phải bảo đảm sự phù hợp của dự thảo văn bản pháp luật với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Khoản 3 điều 39 quy định rõ: “Cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau:... sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng...”. Tuy nhiên, khi đề cập đến nội dung thẩm tra cụ thể thì dự thảo luật không quy định thẩm tra nội dung này mà chỉ quy định việc thẩm tra bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật (điều 42); thậm chí, còn thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới - là vấn đề không quy định trong điều 39 về nội dung thẩm tra.

Do vậy, chúng tôi đề nghị cần bổ sung một điều về thẩm tra sự phù hợp của dự thảo văn bản pháp luật với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng để phù hợp với tính thần và quy định chung của dự án luật; đồng thời, tránh tình trạng một số văn bản pháp luật ban hành trong thời gian qua không phù hợp, thậm chí trái với chủ trương, đường lối của Đảng.

2. Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (điều 2)

Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta rất phức tạp, với trên 20 loại văn bản khác nhau, do nhiều chủ thể khác nhau ban hành đã dẫn đến tình trạng không ít văn bản có sự chồng chéo, trùng lắp, mâu thuẫn, gây nhiều khó khăn cho công tác thi hành pháp luật và áp dụng pháp luật. Vì vậy, chúng tôi đồng tình là cần phải thu gọn các loại văn bản có chứa quy phạm pháp luật để hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận. Tuy nhiên, quá trình thảo luận xây dựng dự án luật cho thấy, do chưa có định hướng rõ ràng về lộ trình cắt giảm các loại văn bản quy phạm pháp luật nên dự thảo Luật lần này cũng chưa thể triệt để trong việc thu gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, vẫn còn tới trên 15 loại văn bản khác nhau.

Bên cạnh đó, tình trạng luật, pháp lệnh đã được ban hành nhưng chưa thể đi vào cuộc sống vì còn phải chờ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành là khá phổ biến. Nhiều văn bản luật, pháp lệnh khi đã có nghị định vẫn phải chờ đến khi các bộ, ngành hữu quan ban hành thông tư mới có thể thực thi. Do vậy, đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của văn bản luật, pháp lệnh; dẫn đến tình trạng văn bản hướng dẫn bị “lái theo ý kiến chủ quan của cơ quan ban hành”; ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Do vậy, chúng tôi đề nghị cần bổ sung quy định về mối quan hệ giữa văn bản luật, pháp lệnh với các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; đồng thời bên cạnh việc xây dựng Luật này, cần có định hướng, lộ trình thu gọn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo hướng nghị định của Chính phủ là văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn cuối cùng.

3. Về việc công khai dự thảo văn bản, công khai văn bản và thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật

Dự thảo Luật đã có nhiều tiến bộ khi quy định việc công khai dự thảo văn văn bản quy phạm pháp luật ngay từ khâu soạn thảo và công khai văn bản trước khi văn bản có hiệu lực. Đây là việc làm rất có ý nghĩa, góp phần đưa văn bản pháp luật gần gũi với thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng chịu ảnh hưởng cũng như của dư luận xã hội; đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của dự án pháp luật.

Tuy nhiên, để tránh tình trạng hình thức, chúng tôi đề nghị cần phân biệt, làm rõ những loại văn bản nào cần công khai để nhân dân biết, loại văn bản nào phải bắt buộc công khai để lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời cần quy định cụ thể thời điểm công khai dự thảo văn bản để lấy ý kiến cũng như nên bổ sung quy định về cơ chế phản hồi, giải trình phù hợp với điều kiện thực tiễn đối với việc tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan, các tổ chức và cá nhân.

Ngoại trừ luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước sẽ có hiệu lực sau một thời hạn nhất định khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố, chúng tôi đồng tình với việc quy định thời điểm có hiệu lực của các loại văn bản khác ngay trong văn bản, đồng thời phải đăng Công báo trước khi văn bản có hiệu lực ít nhất 15 ngày.

Tuy nhiên, để khắc phục xảy ra trường hợp chậm trễ trong việc đăng Công báo làm giảm tính công khai, minh bạch của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đề nghị nên quy định tất cả các văn bản quy phạm pháp luật phải được đăng trên Công báo điện tử hoặc một website chính thức do Chính phủ quy định; chỉ một số văn bản nhất định mới cần đăng Công báo giấy; văn bản quy phạm pháp luật được đăng trên Công báo điện tử và Công báo giấy có giá trị pháp lý như nhau. Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ quan Công báo chỉ có trách nhiệm đăng tải, còn cơ quan ban hành phải chịu trách nhiệm về nội dung; đồng thời bổ sung chế tài trong trường hợp vi phạm, không hoàn thành trách nhiệm này.

4. Về cơ chế phát huy và bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội

Mặc dù có quyền sáng kiến lập pháp song trên thực tế các vị đại biểu Quốc hội hầu như không phát huy được quyền năng này. Một số đại biểu Quốc hội có ý tưởng nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ hiệu quả để triển khai ý tưởng thành hiện thực. Sáng kiến lập pháp và việc trình các dự thảo văn bản pháp luật vẫn chủ yếu từ phía Chính phủ và các cơ quan hữu quan. Trong khi đó, các vị đại biểu Quốc hội là người đại diện, gần gũi với cử tri, nắm bắt được những vấn đề bức xúc được phản ánh từ thực tiễn; do vậy, sẽ là thiếu sót nếu các vị đại biểu không được phát huy quyền sáng kiến lập pháp, không đại diện thể chế được lợi ích chung của cộng đồng, của cử tri.

Do vậy, chúng tôi đề nghị cần quy định cơ chế phát huy và bảo đảm quyền sáng kiến lập pháp của các đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng quy định nhưng không thể thực hiện được như hiện nay.

5. Về việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đối với việc ban hành quyết định của Thủ tướng và thông tư của Bộ trưởng

Dự thảo Luật dành 32 điều (từ điều 25 đến điều 56) để quy định về thủ tục ban hành luật, 7 điều (từ điều 58 đến điều 64) để quy định về thủ tục ban hành nghị định trong khi chỉ dành mỗi loại 01 điều (điều 65 và 66) để quy định về thủ tục ban hành quyết định của Thủ tướng và thông tư của Bộ trưởng.

Như vậy, dự thảo Luật không áp dụng các tiêu chuẩn, yêu cầu của chu trình ban hành luật, nghị định cho các quyết định của Thủ tướng và thông tư của Bộ trưởng. Trong khi đó, các vấn đề chủ yếu thường phát sinh từ văn bản thực thi luật, đặc biệt là văn bản của các bộ  và cần được xem xét thích đáng.

Do vậy, chúng tôi đề nghị trong việc xây dựng quyết định của Thủ tướng và thông tư của Bộ trưởng cần áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng gần như (tất nhiên là ở mức độ thấp hơn) đối với luật, nghị định. Một số quy định quan trọng cần được áp dụng chung, ví dụ việc yêu cầu về 60 ngày lấy ý kiến công luận, tiến hành phân tích và đánh giá tác động, rà soát bởi một cơ quan độc lập...

Hà Thanh Sơn