Cấp đăng ký thường trú trong thời hạn 15 ngày
Thứ trưởng Hiếu cho rằng, việc vẫn giữ mô hình sổ hộ khẩu với những quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện đơn giản, thuận lợi hơn cùng với việc chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện sẽ góp phần bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tự do cư trú. Thực ra việc Chính phủ thuyết phục Quốc hội giữ mô hình quản lý nhân khẩu bằng sổ hộ khẩu cũng không dễ dàng gì.
Ngay trong phiên họp đầu tiên dự thảo Luật Cư trú được trình ra Quốc hội (tháng 6-2006), quy định này đã gặp phản ứng dữ dội từ các đại biểu. Bộ trưởng Công an Lê Hồng Anh khi đó đã phải đưa ra cam kết rất cụ thể rằng: "Thủ tục đăng ký thường trú, cấp hộ khẩu sẽ rất đơn giản, thuận tiện, thời gian giải quyết ngắn và đặc biệt sẽ có biện pháp ngăn ngừa việc lạm dụng hộ khẩu để gây phiền hà".
Và Quốc hội đã thông qua quy định này với điều kiện được cho là rất đơn giản. Hồ sơ đăng ký thường trú chỉ bao gồm: phiếu báo thay đổi hộ khẩu; giấy chuyển hộ khẩu do Trưởng công an xã cấp (trong trường hợp chuyển ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện) hoặc Trưởng công an huyện, quận cấp (trong trường hợp chuyển ngoài phạm vi quận, huyện); và giấy tờ tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Và điều 21 Luật Cư trú quy định: trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền (ở thành phố trực thuộc T.Ư là công an quận, huyện và ở tỉnh là công an xã, thị trấn thuộc huyện) phải cấp sổ hộ khẩu cho người nộp hồ sơ đăng ký thường trú.
Trong trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. So với quy định hiện hành (Nghị định 51 và Thông tư 11) thì thời gian làm thủ tục đăng ký thường trú rút ngắn được nửa thời gian.
Thế nào là chỗ ở hợp pháp?
Theo Luật Cư trú thì điều kiện để đăng ký thường trú tại tỉnh chỉ đòi hỏi công dân có chỗ ở hợp pháp. Còn điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương thì ngoài điều kiện có chỗ ở hợp pháp, còn phải có thêm một điều kiện khác, đó là đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ 1 năm trở lên (quy định hiện hành là 3 năm trở lên).
"Sở dĩ có quy định này là vì việc di dân từ vùng nông thôn đến các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn ngày càng gia tăng, gây áp lực lớn cho các đô thị. Cần phải có biện pháp nhằm hạn chế sự gia tăng cơ học số lượng người nhập cư vào các thành phố trực thuộc T.Ư" - Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu giải thích.
Quy định cụ thể về chỗ ở hợp pháp là điểm mới nổi bật của Luật Cư trú so với pháp luật hiện hành về hộ khẩu. Quy định chỗ ở được coi là hợp pháp trong luật này rất rộng, có thể là nhà thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ (Nghị định 51 không cho đăng ký hộ khẩu đối với trường hợp nhà ở là do mượn, ở nhờ). Đây cũng là một điểm gây tranh cãi gay gắt tại Quốc hội khi thảo luận thông qua Luật Cư trú.
Một số đại biểu cho rằng, trong trường hợp muốn nhập hộ khẩu vào nhà do thuê, mượn, cho ở nhờ thì phải được chủ nhà đồng ý. Một số đại biểu khác, trong đó có Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh Phan Anh Minh lại cho rằng không cần chủ nhà đồng ý có cho nhập hộ khẩu hay không mà chỉ cần có văn bản đồng ý cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ là đủ.
Nhưng cuối cùng Quốc hội thông qua điều 19 và 20 theo hướng trong trường hợp ở nhà mượn, thuê, ở nhờ thì phải được chủ nhà đồng ý bằng văn bản. "Điều này để tránh trường hợp người đi thuê hoặc ở nhờ có hành vi gây tranh chấp dân sự với chủ nhà như đòi được chia nhà..." - Thứ trưởng Hiếu giải thích.
Chống lạm dụng sổ hộ khẩu như thế nào?
Đây là vấn đề cuối cùng gây tranh cãi ở Quốc hội. Tuyệt đại đa số các đại biểu Quốc hội khi thảo luận đều lo lắng về khả năng sổ hộ khẩu tiếp tục bị lạm dụng gây phiền hà cho người dân. Thậm chí có đại biểu còn yêu cầu cần quy định cụ thể những việc cần sử dụng đến sổ hộ khẩu ngay trong luật để tránh tình trạng từ trường học đến nhà hộ sinh đều đưa ra điều kiện về sổ hộ khẩu để từ chối quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như hiện nay.
Nhưng cuối cùng thì Quốc hội chỉ thông qua một câu quy định về việc cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và giao cho Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định lạm dụng hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ trưởng Đặng Văn Hiếu thừa nhận: "Quy định về hộ khẩu đang bị một số cơ quan, tổ chức lạm dụng, gây nên bức xúc trong nhân dân. Theo thống kê, hiện có 380 văn bản còn hiệu lực quy định liên quan đến hộ khẩu, nhiều trường hợp quy định về hộ khẩu bị sử dụng sai mục đích".
Ông Hiếu không nói cụ thể về những trường hợp sử dụng sai mục đích sẽ bị bãi bỏ nhưng ông cho biết Bộ Công an sẽ sớm phối hợp với các cơ quan hữu quan rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ hàng loạt quy định sai trước khi luật có hiệu lực thi hành, hạn chế đến mức thấp nhất những phiền hà gây cho người dân.
(Thanh niên)