Một số quy định mới đáng chú ý của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

21/12/2006
Ngày 29-6-2006, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)- sau đây gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2007. Xin giới thiệu những điểm mới đáng chú ý của Luật này.
Lần đầu tiên, các quy định về phòng, chống HIV/AIDS được ban hành dưới hình thức văn bản luật, đáp ứng toàn diện và đầy đủ hơn nữa yêu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình hiện nay. So với Pháp lệnh Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV/AIDS), Luật đã bổ sung một số nội dung mới đáng chú ý sau đây:

1. Bổ sung giải thích một số từ ngữ trong Luật nhằm bảo đảm nhận thức và thi hành thống nhất, chính xác các quy định của Luật này: Điều 2 của Luật gồm có 15 khoản quy định về 15 khái niệm được sử dụng trong văn bản Luật cần được hiểu đầy đủ, chính xác và thống nhất trong Luật.

Đáng chú ý là một số thuật ngữ hiện đang được sử dụng nhiều trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS nhưng chưa được "pháp lý hóa", chẳng hạn như kỳ thị với người nhiễm HIV; phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; nhóm giáo dục đồng đẳng; nhóm người di biến động; các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV...

2. Quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS: Luật quy định nghiêm cấm nhiều hành vi cụ thể trực tiếp liên quan đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đây là một nội dung đáng lưu ý nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tế phòng chống HIV/AIDS hiện nay khi mà vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, gia đình và những người liên quan đến họ đang là một trong những khó khăn, thách thức mang tính xã hội cần phải giải quyết nhằm từng bước giảm thiểu ảnh hưởng của HIV/AIDS đối với xã hội. Điều 8 của Luật (các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 9, 10) nêu cụ thể, rõ ràng những hành vi biểu hiện sự kỳ thị, phân biệt đối xử điển hình cần phải nghiêm cấm. Điều 14 - phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc - quy định rõ về trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại nơi làm việc và thực hiện các quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với họ.

Khoản 2 của Điều này còn quy định cụ thể những hành vi mà người sử dụng lao động không được làm vì đó là những hành vi thể hiện sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Quy định về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hoàn toàn phù hợp và tương thích với luật pháp quốc tế về phòng chống HIV/AIDS và phù hợp với truyền thống đạo đức của người Việt Nam.

3. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV/AIDS: Mặc dù Pháp lệnh năm 1995 cũng có quy định về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV nhưng chưa cụ thể, rõ ràng. Luật mới ban hành dành hẳn một điều (Điều 4) quy định rất đầy đủ và cụ thể về các quyền và nghĩa vụ pháp lý của người nhiễm HIV/AIDS.

Dưới giác độ luật pháp thì người nhiễm HIV/AIDS có đầy đủ các quyền công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, việc quy định trong Luật về vấn đề này nhằm khẳng định một lần nữa các quyền của họ, đặc biệt là những quyền dễ bị xâm phạm vì lý do bị nhiễm HIV, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó một điểm cần lưu ý là bên cạnh quy định các quyền, Luật cũng khẳng định nghĩa vụ của người nhiễm HIV với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội. Điều này rất quan trọng bởi nó tạo nên sự bình đẳng và công bằng về mặt luật pháp trong việc giải quyết mối liên hệ giữa những người nhiễm HIV và cộng đồng xã hội.

Đây là điểm rất tiến bộ của Luật vì thậm chí luật pháp quốc tế cũng chỉ chú trọng đề cập đến các quyền của người nhiễm HIV mà thôi...

4. Quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng và minh bạch hơn về vấn đề xét nghiệm phát hiện HIV: Luật dành hẳn một mục (mục 2 - từ Điều 26 đến Điều 30) của Chương III "Các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS" để quy định cụ thể về tư vấn và xét nghiệm HIV. Các quy định này là cơ sở pháp lý để tiến hành việc xét nghiệm phát hiện HIV trong những trường hợp tự nguyện và những trường hợp bắt buộc.

Về nguyên tắc, việc xét nghiệm phát hiện HIV được tiến hành trên cơ sở tự nguyện với sự hỗ trợ tích cực của tư vấn trước và sau xét nghiệm. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định, xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan nhà nước (Viện kiểm sát, Tòa án, Cơ quan điều tra) hoặc phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc xuất phát từ yêu cầu chẩn đoán và điều trị bệnh trong một số trường hợp cần thiết hoặc do yêu cầu đặc thù một số nghề trước khi tuyển dụng thì cần tiến hành xét nghiệm bắt buộc (Điều 28).

Luật cũng quy định cụ thể hơn nhiều so với quy định của Pháp lệnh năm 1995 về vấn đề thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính, về cơ sở xét nghiệm HIV đủ điều kiện khẳng định các trường hợp HIV dương tính.

Các quy định này cũng có tác dụng to lớn trong việc bảo đảm bí mật riêng tư của người nhiễm HIV và góp phần tích cực chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

5. Quy định cụ thể hơn về quản lý, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS: So với Pháp lệnh năm 1995 thì Luật Phòng, chống HIV/AIDS mới ban hành không chỉ quy định về vấn đề điều trị mà còn quy định cả về vấn đề quản lý và chăm sóc đối với họ.

Các quy định này được bổ sung trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay ở nước ta. Đây là vấn đề thực tế đặt ra đòi hỏi sự quan tâm và tham gia của cả cộng đồng xã hội vì số lượng người nhiễm HIV/AIDS đã lên đến con số hàng trăm nghìn người.

Luật bổ sung quy định về hệ thống chăm sóc người nhiễm HIV với vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, của UBND các cấp với sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện. Sự tham gia chủ động của người nhiễm HIV và gia đình họ, sự hỗ trợ của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong quản lý, chăm sóc điều trị người nhiễm HIV.

Đặc biệt, Luật có quy định về vấn đề bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV. Đây là quy định rất mới thể hiện bản chất nhân đạo của Nhà nước đối với nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.

Từ nay, những người đang tham gia bảo hiểm y tế mà bị nhiễm HIV sẽ được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám bệnh, chữa bệnh và quy định này đã làm giảm gánh nặng to lớn về tài chính đè lên vai của những người nhiễm HIV và gia đình họ, mở ra nhiều cơ hội cho họ tiếp cận với thuốc kháng HIV.

Luật bổ sung quy định về vấn đề chăm sóc trẻ em nhiễm HIV/AIDS: Đây là vấn đề thực tế đang đặt ra đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội. Bên cạnh việc quy định cung cấp thuốc kháng HIV miễn phí tại Điều 39 cho trẻ em phù hợp với tinh thần của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em năm 2004. Luật còn quy định rõ "Trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi... được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước" (khoản 2 Điều 41).

Luật cũng quy định về vấn đề tiếp cận với thuốc kháng HIV: Quy định này thể hiện Nhà nước Việt Nam quan tâm thật sự đến những người nhiễm HIV/AIDS thể hiện qua chính sách pháp lý của mình nhằm tạo mọi điều kiện để người nhiễm HIV/AIDS có được nhiều cơ hội tiếp cận với thuốc kháng HIV. Đặc biệt, đối với những người bị phơi nhiễm với HIV; bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, người bị nhiễm HIV do rủi ro của kỹ thuật y tế; phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai; trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV thì được Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định những đối tượng được ưu tiên tiếp cận với thuốc HIV tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS, đó là trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi; người nhiễm HIV tích cực tham gia phòng chống HIV/AIDS; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn....

6. Bổ sung quy định về tư vấn trong phòng; chống HIV/AIDS: Ngoài quy định về tư vấn trước và sau xét nghiệm phát hiện HIV, Luật còn quy định về hoạt động tư vấn về phòng chống HIV/AIDS nói chung. Đây là quy định mới, rất quan trọng song không được quy định trong Pháp lệnh năm 1995 và là biện pháp có tác dụng to lớn và hiệu quả rất cao hiện nay trong hoạt động phòng; chống HIV/AIDS.

7. Bổ sung quy định về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV : Vấn đề này được đề cập trực tiếp tại các điều 2, 3, 10, 11 và 21. Đây là các quy định hoàn toàn mới được quy định trong Luật so với Pháp lệnh năm 1995. Các quy định này tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai thống nhất, đồng bộ và rộng khắp các biện pháp can thiệp giảm tác hại như phân phát bao cao-su, trao đổi bơm kim tiêm sạch, sử dụng thuốc điều trị cai nghiện thay thế các thuốc gây nghiện dạng thuốc phiện... đồng thời giải quyết vấn đề "xung đột pháp luật" trong mối liên hệ với các quy định hiện hành về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

8. Bỏ một số quy định trong Pháp lệnh năm 1995 do  không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực tế phòng, chống HIV/AIDS hiện nay: Các quy định về xét nghiệm HIV bắt buộc khi khám sức khỏe định kỳ (Điều 17 Pháp lệnh); quy định về khai báo bị nhiễm HIV/AIDS đối với người nước ngoài nhập cảnh (Điều 19 Pháp lệnh); quy định về bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho người quản lý chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS (Điều 21 Pháp lệnh); quy định về ngành nghề người nhiễm HIV/AIDS không được làm (Điều 22 Pháp lệnh) đã được bỏ, không quy định trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS mới ban hành.

(Pháp luật Việt Nam)