Điều chỉnh giờ làm các cơ quan hành chính Hà Nội

19/12/2006
Đó là đề xuất mới nhất của Sở GTCC và Công an Hà Nội sáng nay. Ngoài ra, để giảm ùn tắc giao thông, các cơ quan này đề nghị UBND thành phố Hà Nội tăng lệ phí đăng ký, lệ phí trước bạ khi đăng ký xe máy lần 1,2,3... giảm tần suất hoạt động của xe buýt.

Sáng nay, Sở Giao thông công chính và Công an thành phố HN đã khẩn cấp họp bàn các giải pháp chống ùn tắc và tai nạn giao thông tại thủ đô trong thời điểm cuối năm. Theo đó, kiến nghị UBND thành phố báo cáo Thủ tướng điều chỉnh lệch giờ làm việc giữa các cơ quan, trường học từ 60 phút trở lên.

Thời điểm này năm trước, Sở GTCC đã tính đến phương án bố trí lại giờ làm việc và sẽ thuê các chuyên gia đầu ngành nghiên cứu các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, đến nay, đề xuất về thay đổi giờ làm việc vẫn khá chung chung.

Năm 2003, Hà Nội đã từng điều chỉnh giờ làm việc của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương làm việc bắt đầu từ 7h30', kết thúc 16h30'. Cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp địa phương bắt đầu từ 8h, kết thúc lúc 17h.

Theo Công an thành phố HN, tỷ lệ xe gắn máy vẫn tăng ở mức cao, với hơn 58.000 xe trong năm nay. Do vậy, biện pháp mà Công an thành phố đưa ra để hạn chế tăng xe gắn máy là quy định mức lệ phí đăng ký xe, lệ phí trước bạ khi đăng ký xe lần 1,2,3... Quy định này sẽ hạn chế người dân mua xe mới, khuyến khích sang tên xe.

Ngoài ra, các biện pháp đảm bảo an toàn cho người đi bộ được đưa ra bàn thảo. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng cầu vượt cho người đi bộ, tập trung ở quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân. Ngành giao thông sẽ kẻ thêm vạch sơn dành riêng và có hệ thống cảnh báo ở hai đầu đường cho người đi bộ. Trên địa bàn hiện mới có 707 điểm có vạch sơn cho bộ hành.

Giải pháp an toàn cho người đi bộ tham gia giao thông được coi là khá cấp thiết. Theo thống kê, người đi bộ bị tai nạn giao thông đang chiếm tới 16% tổng số các vụ tai nạn giao thông. Tuần qua đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn  nghiêm trọng, khiến 1 giáo sư nổi tiếng trong nước bị tử nạn, 1 giáo sư người Mỹ đang trong cơn nguy kịch, đã gây bức xúc cho dư luận.

Các giải pháp khác chống ùn tắc giao thông được đưa ra thảo luận để kiến nghị UBND thành phố. Đó là giảm 30% số lượt xe buýt hoạt động trên địa bàn Đống Đa, Thanh Xuân và cấm xe buýt trên 30 chỗ hoạt động trên đường rộng 10m trở xuống, xe 30 chỗ trở lên chỉ được chạy trên đường rộng 10m trở lên. Các điểm dừng xe buýt phải cách ngã 3, ngã 4 ít nhất 200m và điểm dừng xe buýt cách nhau ít nhất 1.000m.

Để lập lại trật tự tại điểm đỗ xe và tăng diện tích lưu thông cho các phương tiện, thành phố sẽ xóa 30-40% số điểm đỗ và quy định xe đỗ trên đường tối đa không quá 90 phút. Các cơ quan, đơn vị bắt buộc phải xây dựng nơi đỗ xe trong khuôn viên đất của mình từ năm 2007.

Bên cạnh đó, ngành giao thông sẽ tiếp tục phân luồng xe tải, xe khách từ xa như thời kỳ diễn ra APEC để giảm phương tiện vào thành phố.

Liên ngành cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo ngành điện lực đảm bảo hệ thống đèn giao thông và chiếu sáng công cộng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các quận giải tỏa các chợ đang họp trên các tuyến đường Trần Nhật Duật, Hoàng Hoa Thám... và bổ sung kinh phí tuyên truyền Luật giao thông cho người tham gia giao thông.

(Theo VnExpress)