Từ 1-1-2007: Giao dịch nhà đất phải có sổ đỏ

15/12/2006
Từ 1-1-2007: Giao dịch nhà đất phải có sổ đỏ
Theo luật định, từ 1-1-2007, tất cả giao dịch dân sự về nhà đất chỉ được thực hiện đối với các thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhưng ở Hà Nội hàng chục ngàn hộ dân chưa biết điều này.

Xin cấp sổ đỏ: không tăng

Ông Nguyễn Văn Hoan, quận Hoàng Mai, Hà Nội, tỏ ra rất ngạc nhiên với qui định tại điều 184 Nghị định số 181/NĐ-CP về thời hạn thống nhất thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo đó, kể từ ngày 1-1-2007, người sử dụng đất phải có sổ đỏ mới được thực hiện các quyền về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Ông Hoan nói: “Đất tôi ở là đất thổ cư, đã sử dụng mấy chục năm nay, giờ muốn cho con cháu thừa kế bắt buộc phải có sổ đỏ mới được phép. Mảnh đất khác của tôi ở đường Pháp Vân - Yên Sở đang chuẩn bị làm thủ tục để góp vốn với một công ty cơ khí mở xưởng sản xuất. Nhưng cứ theo qui định thì vụ làm ăn này sẽ không thực hiện được vì mảnh đất còn đang xin cấp sổ đỏ”.

Bà Nguyễn Thị Hà, quận Ba Đình, đang làm thủ tục chuyển quyền sử dụng nhà đất cho người con tại Văn phòng đăng ký nhà đất Hà Nội cũng chưa hay biết gì về qui định này. “Tôi chỉ muốn chuyển quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cho con trai trước khi con lấy vợ vào đầu năm sau, còn việc từ 1-1-2007 phải có sổ đỏ mới được chuyển nhượng thì tôi không được biết” - bà Hà nói.

Thông tin từ một số văn phòng đăng ký nhà đất trên địa bàn Hà Nội cho biết số lượng người tới làm các thủ tục trong những ngày cuối năm 2006 không tăng mạnh. “Có thể do đa số người dân chưa biết qui định này”- một cán bộ Văn phòng đăng ký nhà đất quận Hoàng Mai cho biết. Suy luận của nhân viên này hoàn toàn có lý bởi hiện nay toàn thành phố đang tồn hơn 40.000 sổ đỏ đã ký xong mà chưa có người tới nhận.

Không lo!

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng việc thực hiện qui định “từ 1-1-2007 các giao dịch nhà đất phải có sổ đỏ mới được thực hiện” không có vấn đề gì lớn. “Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này hiện vẫn còn “đuối” ở chỗ các địa phương chưa đủ khả năng cấp hết giấy chứng nhận cho người dân trước 1-1-2007 nên việc thực hiện qui định trên chắc chắn sẽ rất khó khăn” - ông Võ nói.

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, có hai cách giải quyết vướng mắc trên để đảm bảo các giao dịch dân sự về nhà đất vẫn có thể diễn ra (đối với các thửa đất, nhà chưa có giấy chứng nhận). Thứ nhất, phải có một nghị định sửa đổi, bổ sung điều 184 của nghị định 181/NĐ - CP để phù hợp hơn với thực tế. Thứ hai, các giao dịch đó vẫn sẽ được cho phép thực hiện, nhưng trước khi tiến hành giao dịch thật sự phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Đặng Hùng Võ nói: “Theo tôi, hai cách này đều được nhưng phương án 2 sẽ khả thi hơn, đồng thời góp phần tăng nhanh tốc độ cấp giấy chứng nhận đang khá ì ạch tại các địa phương. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh là các cán bộ địa chính địa phương không được phép nhân lúc người dân phải gấp rút xin cấp sổ đỏ (để thực hiện giao dịch) mà nhũng nhiễu, vòi vĩnh. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giám sát chặt việc cấp sổ đỏ, xử lý nghiêm những trường hợp như vậy”.

Vậy khi người dân dùng giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (cấp theo Luật nhà ở) để thực hiện giao dịch dân sự như trên thì có trái với qui định tại điều 184 không? Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường cho biết trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cũng có phần “quyền sử dụng đất ở” nên hoàn toàn có thể dùng để giao dịch. Tuy nhiên, đối với những trường hợp chỉ ghi quyền sở hữu nhà ở mà không có “quyền sử dụng đất ở” thì khả năng có giao dịch được hay không vẫn còn bỏ ngỏ!

(Theo Tuổi trẻ)