Quốc hội đã thông qua Luật Chuyển giao công nghệ và Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2007. Xin giới thiệu một số quy định mới, quan trọng về chuyển giao công nghệ đã được quy định trong Luật.
Luật Chuyển giao công nghệ có 7 chương, 61 điều, dưới đây là tóm tắt một số quy định mới của Luật này:
1. Xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ.
Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước từ Chính phủ đến các bộ, ngành trong việc chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình, cơ chế, chính sách, biện pháp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, công bố danh mục công nghệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong việc hỗ trợ, thúc dẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài...
Kinh nghiệm của nhiều nước đã được Liên hợp quốc tổng kết và xác nhận rằng, thực hiện tốt được việc kế hoạch hoá đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ là một trong những yếu tố quyết định để nhanh chóng đưa một nước đang phát triển trở thành nước công nghiệp hóa.
2. Tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động chuyển giao công nghệ.
Luật Chuyển giao công nghệ đã có những quy định mới về hợp đồng chuyển giao công nghệ, thông thoáng hơn hẳn so với các quy định hiện tại, trong đó công nghệ được chia làm ba loại, trừ các công nghệ thuộc danh mục công nghệ bị cấm chuyển giao (là các công nghệ không đáp ứng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, sức khỏe, bảo vệ tài nguyên, môi trường, tạo ra sản phẩm gây hậu quả xấu đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội...) hoặc công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao (nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, sức khoẻ con người, giá trị văn hoá dân tộc, bảo vệ động thực vật, tài nguyên - môi trường, thì các bên tham gia hợp đồng phải xin phép), các công nghệ còn lại thì hợp đồng chuyển giao có hiệu lực theo thỏa thuận trong của các bên tham gia, mà không cần phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước như quy định hiện nay.
Theo đó, các bên tham gia hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận về các nội dung của hợp đồng như: mức độ chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng công nghệ, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, thời hạn hợp đồng, giá cả, phương thức thanh toán, luật áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng (đối với hợp đồng chuyển giao công nghệ có yếu tố nước ngoài), ngôn ngữ hợp đồng, mức độ bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng...
Điều này có ý nghĩa lớn trong việc tạo điều kiện cho các bên tham gia hợp đồng tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí để thỏa thuận và thực thi hợp đồng chuyển giao công nghệ.
Như vậy, một mặt, Luật tạo điều kiện thông thoáng, khuyến khích đối với việc chuyển giao các công nghệ có lợi, mặt khác vẫn kiểm soát và ngăn chặn được các công nghệ có nguy cơ gây hại cho nền kinh tế - xã hội .
3. Quy định chính sách khuyến khích cụ thể để khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ.
Một là, đối với các công nghệ thuộc diện được khuyến khích, như công nghệ tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, ngành nghề mới, sử dụng năng lượng mới, bảo vệ con người, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, sản xuất sạch, thân thiện môi trường, phát triển ngành nghề truyền thống và các công nghệ khuyến khích chuyển giao cho vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Luật đã quy định chính sách miễn giảm thuế cụ thể để khuyến khích đối với từng trường hợp.
Hai là, tạo động lực để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đưa nhanh công nghệ vào sản xuất. Bước đột phá ở đây là lần đầu tiên, Luật Chuyển giao công nghệ quy định giao quyền chủ sở hữu công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước cho tổ chức tạo ra công nghệ đó.
Đồng thời quy định tỷ lệ 20 - 35% thu nhập (từ việc sử dụng công nghệ đó) dành cho tác giả tạo ra công nghệ và phần thu nhập còn lại cho tổ chức tạo ra công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, việc giao quyền chủ sở hữu cho tổ chức tạo ra công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đã tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh chóng công nghệ của đất nước.
Ba là, thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ, hoàn thiện công nghệ, thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, nông thôn, miền núi, hỗ trợ ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp công nghệ.
Bốn là, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ bằng cách cho phép doanh nghiệp được trích một phần lợi nhuận trước thuế để tiến hành hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ.
Năm là, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường công nghệ, chợ giao dịch công nghệ, khuyến khích phát triển các dịch vụ chuyển giao công nghệ, khuyến khích người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài chuyển giao công nghệ vào Việt Nam.
(Theo Đầu tư)