Thuế: Thủ tục thoáng, giám sát chặt

21/12/2006
Ngày 19-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức buổi họp báo giới thiệu các văn bản lệnh của Chủ tịch nước công bố một số Luật vừa được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 10. Trong đó, đạo Luật Quản lý thuế nhận được nhiều sự quan tâm khi có mức độ ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết một số vấn đề về luật này.

 Trong bối cảnh yêu cầu động viên ngân sách ngày càng cao, Luật Quản lý thuế sẽ đem đến những điểm mới nào trong công tác quản lý, hoạt động thu - nộp các khoản thuế thời gian tới?

- Có hiệu lực từ 1-7-2007, Luật Quản lý thuế được coi như một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý thu nộp ngân sách khi nó điều chỉnh thống nhất về mặt thủ tục đối với toàn bộ các loại thuế từ thuế nội địa đến thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, các khoản thu khác thuộc ngân sách Nhà nước.

Các thủ tục hành chính thuế được quy định đơn giản, rõ ràng và minh bạch giúp nâng cao trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người nộp thuế. Từ đây, Luật quy định rõ các loại giấy tờ của từng loại hồ sơ khai thuế, hồ sơ miễn giảm thuế, hoàn thuế... để người nộp tự xác định được trách nhiệm của mình và tránh sự tùy tiện của công chức quản lý thuế trong khi thi hành công vụ.

Một ưu điểm cần nhấn mạnh trong cơ chế mới là việc thống nhất thời hạn nộp hồ sơ khai thuế phù hợp với từng loại thuế khai theo tháng, năm, theo từng lần phát sinh để người nộp dễ thực hiện.

Đơn cử, người nộp được mở rộng thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tháng, thống nhất thời hạn khai quyết toán thuế năm đối với tất cả các loại thuế. Trong khi đó, các chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý thuế được quy định rõ ràng nhằm bảo đảm tính minh bạch, phục vụ hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế.

- Mặc dù được trình lên, nhưng cuối cùng Quốc hội đã không thông qua chế định trao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Theo ông, điều này sẽ có khó khăn cho ngành thuế trong công tác quản lý theo Luật mới?

- Tuy chưa thực hiện được cơ chế điều tra, nhưng thực tế Luật cũng tạo nhiều điều kiện nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Xin lưu ý một điểm rất mới trong quan hệ thu nộp hiện nay là người nộp thuế, doanh nghiệp tự khai và cơ quan thuế phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc khai, nộp đó.

Ở điểm này, dù khuyến khích cơ chế tự khai, tự nộp, nhưng Luật cũng tạo ra những cơ chế kiểm soát rất chặt chẽ. Cơ quan thuế, hải quan trong quá trình khai nộp thuế hoàn toàn có quyền kiểm tra, nếu phát hiện sai sót hoặc sai phạm thì yêu cầu người nộp khai, nộp lại.

Khi tiếp tục có sai phạm thì cơ quan thuế có thể đến doanh nghiệp kiểm tra lại và nếu phát hiện gian lận thì được quyền thanh tra với đầy đủ các biện pháp như điều tra như thu thập thông tin, khám xét, tạm giữ tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế...

Có thể nói, Luật mới thiết lập cơ chế quản lý rủi ro, nhưng khi phát hiện “ rủi ro” thì tạo thẩm quyền rất mạnh cho cơ quan thuế.

- Một vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là Luật thừa nhận hình thức kê khai thuế điện tử với rất nhiều lợi ích về thủ tục, chi phí. Hình thức này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?

 Đây là hình thức nằm trong chiến lược hiện đại hóa công tác quản lý thuế, là một mục tiêu của quá trình cải cách thuế. Bên cạnh việc nộp hồ sơ khai thuế trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc nộp qua đường bưu điện như hiện tại, người nộp thuế còn có thể thông qua các hình thức kê khai điện tử.

Điều này đặc biệt hữu ích với các doanh nghiệp, giảm được chi phí đi lại và thời gian lưu chuyển hồ sơ thuế. Tuy hiện nay mới chỉ có ngành hải quan bắt đầu thực hiện hình thức này trên diện rộng, nhưng thời gian tới sẽ xem xét để triển khai trong các lĩnh vực thuế nội địa.

- Tìm lời giải chống nợ đọng vẫn đang là bài toán “ đau đầu” của ngành thuế, hải quan. Liệu cơ chế quản lý mới với nhiều thông thoáng, tạo thuận lợi cho người nộp thuế như ông nói sẽ vô tình gây ra khó khăn cho công tác này?

- Bài toán vừa đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế nhưng vẫn phải quản lý chặt luôn được đặt ra trong quá trình soạn thảo cũng như chuẩn bị thực thi Luật. Có thể nói đến thời điểm này, nợ đọng thuế vẫn là con số lớn, nhưng so với tổng thu cũng chỉ chiếm từ 2-3%.

Cơ cấu nợ đọng hiện nay có thể chia làm ba loại và luật cũng như chính sách của Nhà nước đều đang tìm chủ trương đúng đắn để giải quyết.

Thứ nhất, các doanh nghiệp nợ lẫn nhau, ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế, xảy ra nhiều trong lĩnh vực xây dựng cơ bản sẽ được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có hướng xử lý riêng. Thứ hai, các doanh nghiệp nợ do khó khăn, làm ăn thua lỗ. Thứ ba, nợ do lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế sẽ là đối tượng chính mà cả Luật và cơ quan quản lý phải “ để mắt” tới.

Nói chung, có nhiều loại nợ do nguyên nhân khách quan mà chỉ có thể xử lý bằng cơ chế.

Thời báo Kinh tế Việt Nam