Ông Jean Paul Decorps – Chủ tịch danh dự Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp: Công chứng sẽ có tương lai rất tốt ở Việt Nam

22/09/2008
Ngay sau khi được Bộ Tư pháp Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp tư pháp”, ông Jean Paul Decorps (ảnh) – Chủ tịch danh dự Hội đồng Công chứng Tối cao Pháp – đã có buổi trao đổi ngắn với PLVN về hoạt động phát triển công chứng Việt Nam trong tình hình mới.

PV: Ông đánh giá thế nào về tương lai phát triển của công chứng Việt Nam?

Ông J.P.Decorps: Tôi tin chắc rằng công chứng sẽ có tương lai rất tốt ở Việt Nam vì đây là nước đang phát triển mạnh mẽ, công chứng có rất nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của DN trong nước và nước ngoài.Tôi nghĩ mục tiêu mà Bộ Tư pháp đề ra là phát triển được đội ngũ CCV trong vòng 12 năm tới lên 2000 CCV đây là con số có lý, với một đất nước rộng lớn và đang phát triển nhanh như Việt Nam. Hơn nữa, không thể có “cây đũa thần kỳ” nào để có ngay lập tức 2.000 CCV và chia họ hành nghề trên khắp đất nước, mà cần thời gian. Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam đã từng trao đổi rằng sẽ nỗ lực nhằm xoá bỏ những hạn chế, làm sao để các CCV được bổ nhiệm ở Việt Nam đều có thể được hành nghề sớm nhất có thể được. Hiện ở Pháp với 63 triệu dân có 9.000 CCV và 5.000 văn phòng công chứng (VPCC), đạt tỷ lệ 1 CCV/7.000 dân.

PV: Vậy thưa ông, quan điểm của ông về vấn đề phát triển các VPCC ở Việt Nam như thế nào?

Ông J.P.Decorps: Tôi nghĩ ở đây là quy hoạch của Chính phủ dựa vào nhu cầu ở lĩnh vực này để kiểm soát được số lượng. Về nguyên tắc, CCV là đại diện của Nhà nước, hoạt động nhân danh Nhà nước. Họ cũng là người giải thích luật cho dân, giúp dân tiếp cận với hội đồng tư pháp. Vì thế, không thể để CCV nào muốn mở VP ở bất cứ nơi nào họ muốn. Ở Pháp, mở VP luật sư được tự do hoàn toàn, nhưng CCV thì phải mở VP theo bản đồ phân bổ về tư pháp của Bộ Tư pháp đưa ra. Ngay việc tại TP.HCM mới có 1 VPCC cũng là do quy hoạch của chính quyền đối với hoạt động công chứng trên địa bàn. Ngoài việc Bộ Tư pháp bổ nhiệm CCV thì chính quyền tỉnh, thành phố có thẩm quyền cấp giấy phép cho các VPCC hoạt động. Bên cạnh đó, tôi nghĩ là việc cấp phép không đơn giản dễ dàng.

PV: Ông có nghĩ rằng với việc phát triển các VPCC, các PCC NN ở Việt Nam sẽ có cảm giác “bị bỏ rơi”?

Ông J.P.Decorps: Tôi nghĩ không hề có chuyện đó vì trong chiến lược phát triển mạng lưới CC, Nhà nước sẽ khuyến khích và tạo điều kiện cho PCC chuyển đổi thành VPCC. Thực tế ở Nga, Trung Âu, trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, CC hoàn toàn là nhà nước nhưng sau đó đã dần đã được xã hội hoá hoàn toàn. Ở Nga, quá trình này kéo dài trong 10 năm, ở Trung Quốc quá trình này đã bắt đầu từ 2 năm nay và sẽ kéo dài 10-15 năm nữa.

PV: Ông đánh giá thế nào về nhu cầu sửa đổi Luật Đất đai trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cho phù hợp với hoạt động phát triển công chứng?

Ông J.P.Decorps: Việt Nam cần sửa Luật Đất đai vì luật này được ban hành khi các vấn đề của nền kinh tế phát triển như tốc độ hiện nay chưa thể hiện rõ. Bây giờ, để tạo điều kiện cho đầu tư thì luật phải tính đến yếu tố an toàn pháp lý nữa. Không thể có an toàn pháp lý nếu không có một số thủ tục và kiểm soát nhất định. Chúng tôi mong muốn phía Việt Nam trao nhiều trách nhiệm hơn cho CCV trong lĩnh vực giao dịch bất động sản để bảo đảm tính an toàn của nó. Tất nhiên không thể làm một cú "big bang" trong lĩnh vực công chứng, nhất là ở các tỉnh không có CCV thì không thể đùng một cái không cho UBND cấp huyện, xã đóng vai trò công chứng nữa, nhưng sẽ phải có sự chuyển đổi chức năng nhiệm vụ; UBND huyện, xã chỉ làm chứng thực còn CCV làm công việc chứng những giao dịch bất động sản, tương tự như ở châu Âu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

H.Giang