Cơ quan điều tra nên vào cuộc từ đầu trong công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng

19/09/2008
Hiện nay việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các điểm nóng thường theo quy trình rất phức tạp, kéo dài. Theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo thì khi có khiếu nại, tố cáo của công dân cơ quan bị khiếu nại là cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần đầu, sau một thời gian luật định (30 ngày) nếu không đồng ý với quyết định giải quyết hoặc không được giải quyết thì người khiếu nại, tố cáo mới có quyền tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc chọn việc khởi kiện ra Toà hành chính, thủ tục rất rườm rà, phức tạp, kéo dài.

         Chưa kể đến việc có nhiều trường hợp chuyển đơn, đùn đẩy của các cơ quan này sang cơ quan khác như có đại biểu Quốc hội đã gọi đó là tình trạng đá bóng, chuyền bóng cho nhau vừa gây mất lòng tin trong nhân dân vừa buộc họ phải khiếu kiện vượt cấp hoặc bị khích động tạo điểm nóng làm cho tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, chính trị... thêm phức tạp. 
         Vậy, vấn đề đặt ra là làm sao giải quyết việc khiếu nại, tố cáo của công dân được tốt nhằm vừa nhanh chóng phát hiện, loại trừ các tiêu cực, tham nhũng, vừa góp phần đảm bảo được tình hình an ninh trật tự? Như đã nói ở trên, do quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện còn quá phức tạp, các cơ quan đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nên quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và cả của Nhà nước (như vụ đất đai ở Đồ Sơn) bị xâm hại. Hiện nay, những vụ việc phức tạp liên quan đến khiếu nại, tố cáo của nhân dân thì các cơ quan có trách nhiệm như cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại, tố cáo giải quyết, sau đó đến lần lượt thanh tra, cơ quan kiểm tra của Đảng vào cuộc, có nhiều vụ thanh tra đi thanh tra lại, kiểm tra đi kiểm tra lại nhiều lần nhưng kết quả giải quyết vẫn chưa thoả đáng, thuyết phục, chưa chỉ rõ ra được ai đúng ai sai... chỉ đến khi cơ quan điều tra vào cuộc thì chân tướng sự việc mới lộ rõ, mọi chuyện mới “ra môn, ra khoai”. 
        Thiết nghĩ, để cho việc giải quyết dứt điểm tình hình khiếu nại, tố cáo, nhất là các điểm nóng, vụ việc nỗi cộm theo chúng tôi cơ quan điều tra phải vào cuộc ngay từ đầu nếu có thông tin về tiêu cực, tham nhũng. Với lợi thế của mình về mặt nghiệp vụ cũng như về thẩm quyền Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát sẽ rất thuận lợi trong thu thập chứng cứ, xác minh sự việc, triệu tập những người có liên quan... sẽ nhanh chóng làm rõ được sự việc. Từ đó vừa ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ việc tiêu cực, tham nhũng tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra hạn chế thiệt hại cho nhà nước, công dân. Mặt khác, nếu không phát hiện tiêu cực tham nhũng thì có cơ sở để xử lý thích đáng những người khiếu nại, tố cáo không có cơ sở, vu khống người khác, đồng thời trả lại sự trong sạch cho cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có liên quan và thể hiện tính nghiêm minh, khách quan của pháp luật. Có như vậy mới giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp và tiêu cực tham nhũng diễn ra tràn lan như hiện nay./.

Vĩnh Linh - Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum