Dự thảo Luật Người cao tuổi trước thềm lần chỉnh lý cuối cùng: Chăm sóc người cao tuổi - hiểu sao cho hợp lý?

17/09/2008
Theo dự kiến, Luật Người cao tuổi sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII diễn ra vào đầu năm 2009. Để kịp với tiến độ, hôm qua – 16/9, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan để chuẩn bị cho lần chỉnh lý cuối cùng trước khi dự luật được trình lên Chính phủ.

Người cao tuổi có quyền tìm bạn đời

            Đề cập đến quyền của NCT, bên cạnh các quyền công dân bình thường khác, dự luật đã trao cho NCT một nhóm quyền liên quan trực tiếp đến đặc thù của NCT như “được tiếp tục học tập, nghiên cứu, làm việc theo năng lực và sức khoẻ, “được Nhà nước, xã hội, gia đình có trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ biết ơn, kinh trọng và chăm sóc NCT”...Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Kim Thuý – Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam, ngoài 7 quyền đã được đề cập tới, dự luật vẫn cần bổ sung thêm một quyền nữa, đó là quyền được tham gia các hoạt động và được quyết định những vấn đề liên quan đến bản thân mà pháp luật không cấm. Lý giải cho ý kiến này, bà Thuỷ cho biết, hiện nay vì nhiều lý do nhiều người cao tuổi bị tách ra khỏi các hoạt động của gia đình, xã hội, cộng đồng dù họ vẫn đủ sức khoẻ và có nhu cầu được tham gia. Bên cạnh đó, có nhiều NCT đơn thân có nhu cầu tìm bạn khác giới để lấy nơi nương tựa tuổi già nhưng bị gia đình, dòng họ, con cháu cản trở với các lý do ảnh hưởng danh dự, tài sản...Nhu cầu tham gia các hoạt động, tìm bạn tâm tình nói chung và bạn đời nói riêng của NCT là hoàn toàn chính đáng, vì vậy luật cần phải bảo vệ sự chính đáng đó, bà Thuý nhấn mạnh.

Chăm sóc người cao tuổi là gì?

            Tại phần giải thích từ ngữ của dự luật, chăm sóc NCT được hiểu là “chu cấp về kinh tế, chăm sóc, động viên tinh thần, tôn trọng nguyện vọng chính đáng nhằm bảo đảm nhu cầu cơ bản của NCT về ăn, mặc, đi lại, sức khoẻ, học tập, văn hoá, thông tin và giao tiếp”. Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, điều luật này xét về kỹ thuật lập pháp là khá rườm rà, khó hiểu. Quan điểm của bà Vũ Thị Hiểu,        Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về người cao tuổi muốn xác định được thế nào là chăm sóc NCT thì trước hết phải hiểu thấu đáo định nghĩa về NCT. Theo bà Hiểu hiện nay, xu hướng nhiều nước trên thế giới đã không dùng khái niệm NCT để đơn thuần chỉ một bộ phận dân số già nữa, mà NCT là những người cần được sự kính  trọng, chăm sóc của gia đình, cộng đồng, chính quyền vì nhiều lý do bên cạnh lý do tuổi tác. Với một khái niệm NCT như vậy, thì chăm sóc NCT sẽ là việc “đáp ứng nhu cầu và những thay đổi về nhu cầu của NCT”rất ngắn gọn và có tính bao trùm thay vì quy định rườm rà như dự luật.

Những ai có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi?

            Điều 11 Khoản 1 và 2 dự luật NCT quy định, người có nghĩa vụ phụng dưỡng NCT vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của NCT, con riêng của vợ hoặc chồng cùng chung sống với NCT. Cháu nội, cháu ngoại, anh chị em ruột của NCT chỉ có nghĩa vụ phụng dưỡng NCT khi nhóm người nói trên không hiện hữu hoặc không có điều kiện (về năng lực hành vi dân sự, kinh tế) phụng dưỡng. Theo nhiều đại biểu, nếu quy định như vậy không những dài dòng mà còn không thể hiện được tính nghiêm minh, dứt khoát của luật pháp. Để hợp lý, cần gộp chung cả hai khoản của điều luật thành một và những người có nghĩa vụ chăm sóc NCT  sẽ được liệt kê từ cao xuống thấp. Nếu quy định như dự thảo, nghe chẳng khác gì tình trạng con cái đùn đẩy nuôi bố mẹ cám cảnh hiện nay, một đại biểu góp ý.

Như vậy, dưới góc độ kỹ thuật lập pháp, có thể nói, bản dự thảo luật (7 Chương 30 Điều) ngày 1/9 đã tương đối hoàn chỉnh. Nhưng, để hướng tới mục tiêu dành cho NCT những điều kiện tốt nhất, cũng như đảm bảo tính hiệu lực bền vững ( hạn chế sự sửa đổi, bổ sung) của đạo luật, dự luật Người cao tuổi cũng còn không ít điểm phải chỉnh lý cả về nội dung lẫn kỹ thuật.

Xuân Hoa