Cải cách tư pháp trong xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam: Để xứng đáng là “người bảo vệ công lý”

12/09/2008
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, cải cách tư pháp của nước ta hiện mới chỉ thực sự tác động đến cán bộ, cơ quan tư pháp và một bộ phận nhân dân có công việc liên quan đến công tác tư pháp, chứ chưa trở thành công việc chung của toàn xã hội. Quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta đã đặt ra một số yêu cầu đối với cải cách tư pháp, chẳng hạn như phải đề cao được vị trí, vai trò của pháp luật, tư pháp phải xứng tầm là người bảo vệ công lý và có địa vị xứng đáng trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước thống nhất trên nguyên tắc tập trung dân chủ.

Cốt lõi là cải cách toà án!

Mục tiêu cuối cùng của cải cách tư pháp là bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai cho người vô tội. Nhằm đạt mục tiêu đó, quyền tư pháp phải được tôn trọng tối đa, nghĩa là các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần tuyệt đối tuân thủ tính độc lập xét xử của toà án, không can thiệp dưới bất cứ hình thức nào vào hoạt động xét xử và ra quyết định của toà án.

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của cơ quan toà án, nội dung cải cách đầu tiên nên hướng đến là mở rộng thẩm quyền xét xử của toà án. Cuộc sống luôn vận động và phát triển, các quan hệ xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp, những vụ án hình sự, tranh chấp dân sự – kinh tế trong đời sống nhân dân phát sinh ngày càng nhiều dưới tác động của nền kinh tế thị trường. Tình hình trên đòi hỏi phải mở rộng thẩm quyền của toà án. Theo kinh nghiệm của nhiều nước, pháp luật có thể cho phép toà án trong phạm vi thẩm quyền được giải quyết bất cứ vụ việc nào mà người dân hay cơ quan, tổ chức yêu cầu. Đây là toà án có thẩm quyền rộng. Thay vì quy định những vụ việc thuộc thẩm quyền xét xử riêng biệt của toà án, pháp luật của các nước châu Âu cho phép toà án được xem xét giải quyết tất cả các tranh chấp, yêu cầu do người dân đề nghị, chỉ trừ những vụ việc vì lý do trật tự công cộng. Còn ở Việt Nam hiện nay, toà án chỉ có thẩm quyền giải quyết các vụ án, vụ việc do pháp luật quy định là thuộc thẩm quyền của TAND. Ví dụ, Chương III của Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam năm 2004 quy định về thẩm quyền của toà án theo cách liệt kê từng loại vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án nói chung, phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện với TAND cấp tỉnh và TANDTC. Vì thế, trên thực tế đã phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp nhưng do pháp luật không quy định nên toà án lúng túng không biết vụ việc có thuộc thẩm quyền xét xử của mình hay không.

Thứ nữa, toà án cần có những biện pháp đơn giản hoá các thủ tục tố tụng. Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ và đang chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, việc xử lý thông tin, giải quyết vụ việc phải được nhanh chóng. Do vậy, nếu toà án vẫn duy trì những thủ tục tố tụng theo lối tư duy cũ, cồng kềnh, nặng nề thì khó có thể tạo cho người dân cơ hội tiếp cận công lý. Khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải tiến hành cải cách các thủ tục tố tụng theo hướng đơn giản, tiện lợi cho người dân, đồng thời bảo đảm cho việc toà án ra quyết định một cách chính xác, kịp thời.

Tư pháp phải là một nhánh quyền lực độc lập

Theo quan điểm của một số nhà khoa học, cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam trước hết phải làm cho tư pháp trở thành một nhánh quyền lực thực sự độc lập với hai nhánh quyền lực còn lại (lập pháp và hành pháp), độc lập với chính trị – các tổ chức đảng, tổ chức chính trị – xã hội, các nhóm quyền lực hoặc bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào. Tư pháp có độc lập mới bảo đảm được tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật, có khả năng kiểm soát và giới hạn quyền lực, cũng như bảo đảm quyền con người. Xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng của tính độc lập của tư pháp nên hầu hết các cuộc cải cách tư pháp ngày nay đều tập trung vào việc nâng cao tính độc lập của tư pháp trong hoạt động xét xử. Trên thực tế, có rất nhiều nguyên tắc được các nước dân chủ đặt ra để đảm bảo vấn đề này. Hầu hết Hiến pháp và pháp luật các nước đều ghi nhận nguyên tắc thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cùng với đó, cần tổ chức toà án theo nguyên tắc cấp xét xử (hệ thống toà án của Việt Nam hiện tại được thành lập theo đơn vị hành chính – lãnh thổ) nhằm tăng cường tính độc lập của tư pháp đối với các cơ quan quyền lực nhà nước khác, đồng thời hạn chế sự can thiệp của các cơ quan tư pháp cấp trên. Ở nhiều nước, pháp luật cho phép bổ nhiệm thẩm phán suốt đời. Việc bổ nhiệm suốt đời, không phải bổ nhiệm lại, lương cao và quy định về việc bãi miễn chỉ có thể được thực hiện thông qua việc cáo buộc, đã tạo ra một tác động rất tích cực đối với các thẩm phán toà án.

Không những thế, tư pháp phải có khả năng kiểm soát và giới hạn hai nhánh quyền lực lập pháp và hành pháp trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Để đảm bảo yêu cầu này, cần thiết lập quyền giám sát tư pháp đối với nhánh lập pháp và hành pháp. Cơ quan thực hiện quyền giám sát có thể thuộc về hệ thống toà án, bao gồm cả toà án tối cao hoặc một cơ quan chuyên biệt, tách khỏi hệ thống toà án (được gọi là Toà án Hiến pháp hay Hội đồng bảo hiến) hoặc thậm chí có thể có những cơ chế hỗn hợp. Có thể hiểu, Nhà nước pháp quyền là Nhà nước mà trong đó quyền lực của nó bị giới hạn và kiểm soát theo công thức: Nhà nước pháp quyền – Quyền lực nhà nước bị giới hạn. Việc kiểm soát và giới hạn chính quyền cũng là nhằm bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người. Thực tế đã có một số hình thức kiểm soát chính quyền như kiểm soát bởi cơ quan chính trị và kiểm soát bởi cơ quan tài phán – tư pháp. Cơ quan chính trị thực hiện quyền kiểm soát quyền lực nhà nước thường là cơ quan dân cử hoặc một uỷ ban của cơ quan lập pháp, hoặc một trong hai viện của Quốc hội. Tuy nhiên, hình thức trên có những bất lợi, đó là việc cơ quan này thường coi trọng khuynh hướng chính trị hơn là pháp lý trong khi thực hiện quyền kiểm soát quyền lực nhà nước; đó là, cơ quan chính trị khó có thể giữ được tính độc lập đối với chính quyền, bởi bản thân nó thường bị ảnh hưởng và chịu áp lực của chính quyền. Vì vậy, trong khi xem xét hình thức kiểm soát chính quyền bằng toà án, cần chú ý đến một vấn đề quan trọng là quyền lực tư pháp phải được xem như biểu tượng của công lý. Công lý là tiêu chí đánh giá hoạt động của toà án, là cơ sở cho toà án tối cao giải thích theo hướng thiết lập quyền kiểm soát của tư pháp đối với lập pháp và hành pháp là một tất yếu của việc tổ chức chính quyền.

Cẩm Vân