Hoạt động đại diện cho nhà nước trong tương trợ tư pháp quốc tế của ngành Tư pháp: Ngày càng đáp ứng chủ trương cải cách tư pháp

10/09/2008
Kinh nghiệm và thực tiễn của nhiều nước trên thế giới cho thấy, lĩnh vực tương trợ tư pháp (TTTP) thường được đặt dưới sự điều hành của ngành Tư pháp mà đại diện là Bộ Tư pháp. Ngành Tư pháp nước ta thời gian qua cũng đã làm đại diện cho nhà nước trong rất nhiều uỷ thác tư pháp quốc tế. Và với việc ban hành Luật TTTP, trong đó giao Bộ Tư pháp làm cơ quan đầu mối ở TƯ về TTTP trong dân sự, chúng ta đang nỗ lực thực hiện chủ trương cải cách tư pháp đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005.

Kỳ I: Hội nhập quốc tế không thể thiếu vai trò của TTTP 

Nhu cầu quan trọng trong hoạt động tư pháp

Trong quá trình TA và các cơ quan tư pháp Việt Nam tiến hành các hoạt động tố tụng liên quan đến các vụ việc dân sự, thương mại hay hình sự có yếu tố nước ngoài, để bảo vệ đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong tố tụng thì không thể thiếu các hoạt động TTTP, đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Nó đóng vai trò hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp và pháp luật Việt Nam vượt qua được những khó khăn, phức tạp trong giải quyết những vụ việc có yếu tố nước ngoài.

Thẩm phán thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử không có nghĩa hoàn toàn thụ động và tự tin vào khả năng, kiến thức, kinh nghiệm xét xử của mình trong việc đưa ra phán quyết cuối cùng trên cơ sở hồ sơ vụ việc có được qua các chứng cứ pháp lý, lời khai của đương sự và những người liên quan có mặt trên lãnh thổ nước mình mà bỏ qua lời khai của nhân chứng, chứng cứ và những tình tiết, sự kiện xảy ra ở nước ngoài do không thể thu thập được hoặc không được tiến hành vì các lý do khác nhau cho dù được biết chúng có quan hệ chặt chẽ đến vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan tư pháp Việt Nam. Càng khó khăn và phức tạp hơn cho quá trình tố tụng nếu một trong các bên đương sự hoặc bị cáo lại đang cư trú ở nước ngoài. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề quan trọng khác cần thiết cho quá trình tố tụng của TA Việt Nam như trưng cầu giám định pháp y nước ngoài, thông tin về nội dung và thực tiễn pháp luật nước ngoài khi pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng đúng pháp luật nước ngoài đó… nhưng không thể đáp ứng được trong trường hợp không có sự hợp tác, TTTP giữa các cơ quan tư pháp các nước liên quan. Như vậy, TTTP trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài là một hoạt động không thể thiếu được của bất kỳ TA và cơ quan tư pháp nào của nước ta.

Thực tiễn hoạt động xét xử của các TA nước ta, nhất là đối với các TA Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những nơi có số lượng lớn các vụ việc có yếu tố nước ngoài cho thấy, TTTP là một nhu cầu không thể thiếu được và ngày càng trở nên cấp bách trong hoạt động tư pháp nước ta. Mặc dù nhận thức được như vậy, song do nhiều nguyên nhân khác nhau, kể cả nguyên nhân chủ quan và khách quan nên trong nhiều trường hợp, các cơ quan tư pháp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại khi tiến hành giải quyết các vụ việc có yếu tố nước ngoài. Đó là chưa nói tới việc các TA cấp huyện sẽ phải đảm nhận nhiều vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong thời gian tới.

Thể hiện tính chất chủ quyền quốc gia

Ngành Tư pháp nước ta đã làm đại diện cho nhà nước trong nhiều vấn đề tư pháp, trong đó có các vấn đề được đưa ra dưới tên gọi là uỷ thác tư pháp quốc tế. Việc làm đại diện cho nhà nước ở đây xét về mặt lý luận cũng như thực tiễn hoàn toàn đặc biệt, mặc dù trong từng hành vi cụ thể có nhiều điểm tương tự với việc làm đại diện theo quy định của pháp luật dân sự, thương mại quốc gia của Việt Nam nói riêng và của nhiều nước nói chung.

Sự đặc biệt này thể hiện ở tính chất chủ quyền quốc gia của việc đại diện. Chủ quyền quốc gia là tiêu chí làm cho việc đại diện của ngành Tư pháp và các cơ quan nhà nước khác trong các hoạt động TTTP khác biệt rõ ràng việc làm đại diện của các tổ chức, cá nhân không phải là đại diện có chủ quyền quốc gia trong các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại, lao động… với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Sự khác biệt đó nổi bật ở quy chế miễn trừ tư pháp quốc gia của cơ quan tư pháp trong hoạt động TTTP quốc tế. Đây là quy chế được pháp luật quốc tế khẳng định và được các nước trên thế giới công nhận áp dụng rộng rãi. Theo đấy, các văn bản, tài liệu tư pháp do các cơ quan tư pháp phát hành với sự ký xác nhận của Bộ Tư pháp nói riêng, các cơ quan tư pháp nói chung luôn được coi là các văn bản, tài liệu được lập trên cơ sở chủ quyền quốc gia và các nước khác cần công nhận trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia mà không cần thiết phải kiểm tra lại tính xác thực của các văn bản, tài liệu tư pháp. 

Kỳ II: Ban hành Luật TTTP - một bước tiến trong cải cách tư pháp

Cơ sở pháp luật nào cho hoạt động TTTP?

TTTP giữa các quốc gia có thể được tiến hành trên cơ sở pháp luật trong nước theo nguyên tắc có đi có lại hoặc trên cơ sở pháp luật quốc tế theo các điều ước quốc tế mà các bên là thành viên. Sự hợp tác TTTP giữa các quốc gia thường hướng vào việc đảm bảo sự cùng công nhận và tuân thủ các quyền nhân thân và quyền tài sản hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước mình trên lãnh thổ nước ngoài, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên lãnh thổ nước mình.

Các điều ước quốc tế điều chỉnh sự hợp tác TTTP giữa các cơ quan tư pháp của các nước phần lớn tập trung vào các nhóm vấn đề gồm bảo hộ pháp lý; phân định thẩm quyền của các TA và các cơ quan tư pháp; các quy tắc áp dụng pháp luật; đảm bảo các quyền tố tụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại các TA và các cơ quan tư pháp nước mình; các quy định về các uỷ thác tư pháp quốc tế; công nhận và thi hành các bản án, thi hành các dân sự, thương mại của TA hoặc các quyết định của trọng tài nước ngoài; công nhận và chuyển giao các tài liệu tư pháp; TTTP về các vấn đề hình sự, dẫn độ tội phạm…

Trong số này, có nhóm vấn đề hoàn toàn thuộc lĩnh vực hoạt động TTTP trên cơ sở pháp luật quốc tế theo các điều ước quốc tế. Cụ thể là, thực hiện các uỷ thác tư pháp quốc tế; công nhận thi hành các quyết định của trọng tài nước ngoài; xác nhận và chuyển giao các tài liệu tư pháp; dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án để thụ hình tại nước mà người đó có quốc tịch và một số vấn đề khác trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Quốc gia được yêu cầu có thể xem xét thực hiện TTTP trên cơ sở các nguyên tắc và quy chuẩn tối thiểu của pháp luật quốc tế. Việc thực hiện các hoạt động TTTP nói trên được coi là hành vi xử sự bình thường của các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Nhóm vấn đề còn lại thường được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật quốc gia có kết hợp với các quy định cụ thể trong các điều ước quốc tế mà nước đó là thành viên. .

Việc thực hiện các hoạt động TTTP theo cơ sở pháp lý nào thì thực tiễn nhiều nước vẫn tiến hành hoạt động TTTP qua kênh Bộ Tư pháp, trong một số ít trường hợp là qua kênh của Bộ Ngoại giao. Bởi thế, việc ngành Tư pháp đại diện cho nhà nước trong các hoạt động TTTP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn quốc tế.

Chưa thể tập trung vào một cơ quan đầu mối

Vấn đề ngành Tư pháp đại diện cho nhà nước trong các hoạt động TTTP quốc tế cũng được tranh luận khá sôi nổi trong quá trình xây dựng Luật TTTP ở nước ta. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ vấn đề trên theo hướng có một cơ quan đầu mối ở TƯ trong hoạt động TTTP và nên thuộc cơ quan hành pháp. Đây là mô hình phổ biến tại nhiều nước và phù hợp với yêu cầu về cải cách tư pháp nước ta. Theo một số ý kiến, trong Luật TTTP không nên quy định một cơ quan đầu mối ở TƯ mà nên giữ mô hình hiện nay - Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối ở TƯ về TTTP trong lĩnh vực dân sự, VKSNDTC về lĩnh vực hình sự và Bộ CA về dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

Bộ Tư pháp đã giải trình, việc quy định cơ quan đầu mối ở TƯ về TTTP trong Luật là cần thiết. Tuy nhiên, mức độ tập trung đầu mối cần cân nhắc kỹ thực tiễn Việt Nam, các nước và xu hướng vận động của vấn đề này. Nếu tập trung tất cả đầu mối vào một cơ quan cũng có lợi trong quan hệ quốc tế theo cơ chế một cửa, có thể giải quyết được tập trung các vấn đề cấp bách nhưng về mặt đối nội cũng gặp không ít khó khăn, nhất là cơ chế, tổ chức bộ máy, điều kiện vật chất, nguồn nhân lực chưa đủ. Ngược lại, nếu không tập trung đầu mối vào một cơ quan thì cũng có vướng mắc, phức tạp suốt thời gian qua chưa xử lý được về vấn đề tổng hợp, thống kê các uỷ thác, đánh giá, dự báo tình hình, hướng dẫn thực hiện các uỷ thác… Để bảo đảm tính khả thi của Luật, Bộ Tư pháp kiến nghị xử lý theo hướng có đầu mối ở TƯ song không tập trung tất cả vấn đề vào một cơ quan, mà chủ yếu dựa vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, khả năng thực tế các cơ quan nhà nước của nước ta hiện nay. Cần nhấn mạnh là, cách xử lý đó mới chỉ đáp ứng một bước chủ trương cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/8/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp Việt Nam đến năm 2020.

Hoàng Thư