Các quan hệ dân sự luôn được hình thành và diễn ra liên tục trong đời sống kinh tế, xã hội. Không phải lúc nào người ta cũng đáp ứng được nhu cầu vốn để sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt và tiêu dùng. Do đó, luôn luôn hiện hữu nhu cầu vay vốn xuất phát từ bản thân mỗi cá nhân, tổ chức, ở những hoàn cảnh cụ thể nên quan hệ vay mượn là mối quan hệ khá phổ biến trong các quan hệ dân sự. Khi cho người khác vay một khoản vốn nhất định, bên cho vay có thể đòi hỏi hoặc không đòi hỏi một sự bảo đảm cho khoản vay của mình, người ta gọi họ là chủ nợ có bảo đảm và chủ nợ không có bảo đảm.
Về mặt lý thuyết, quyền lợi của các chủ nợ không bảo đảm được pháp luật bảo vệ, một khi nợ đến hạn, họ có quyền yêu cầu người mắc nợ trả nợ, nếu người mắc nợ không trả một cách tự nguyện, thì họ có quyền tiến hành một vụ kiện kết thúc bằng việc kê biên và bán đấu giá các tài sản thuộc quyền sở hữu của người mắc nợ để thanh toán. Nhưng trên thực tế, chủ nợ không có bảo đảm luôn đứng trước nguy cơ không thu hồi được nợ vì hai lý do. Thứ nhất, giữa thời điểm nợ phát sinh và thời điểm nợ đến hạn khối tài sản của người mắc nợ có thể thay đổi về nội dung. Có một quy tắc tự nhiên theo đó, chủ nợ chỉ có quyền đòi nợ khi đã đến hạn đòi và trong trường hợp người mắc nợ không chịu trả, chủ nợ chỉ có quyền yêu cầu kê biên những tài sản thuộc quyền sở hữu của người mắc nợ ở thời điểm kê biên. Giả sử người mắc nợ thực hiện các hành vi chuyển nhượng tài sản sau khi mắc nợ nhưng trước khi nợ được đòi, chủ nợ sẽ không còn quyền hạn gì đối với các tài sản đó nữa dù có thể chính sự hiện diện của những tài sản này trong khối tài sản của người mắc nợ là cơ sở của lòng tin mà chủ nợ dành cho người này lúc tiến hành giao kết nghĩa vụ. Thứ hai, nếu ở thời điểm nợ được đòi có nhiều chủ nợ không có bảo đảm thì hoặc là chủ nợ nào đến trước được trả trước hoặc là các chủ nợ được trả nợ theo tỷ lệ và trong trường hợp giá bán tổng số tài sản bị kê biên nhỏ hơn giá trị tổng số nợ được đòi, thì không có chủ nợ nào được trả đủ. Thế thì, một khi lòng tin vào chính người có nghĩa vụ tỏ ra không vững chắc, người có quyền yêu cầu phải tìm cho lòng tin một cơ sở khác, bằng một sự bảo đảm cho việc thu hồi nợ đối với người vay, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ra đời để tạo ra lòng tin đó.
Giao dịch bảo đảm là một thiết chế ra đời khá sớm ở nhiều quốc gia có hệ thống pháp luật phát triển trên thế giới. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy thiết chế này được xây dựng đã tạo ra một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động tín dụng nói chung và sự phát triển của nền kinh tế nói riêng. Việc xác lập các giao dịch bảo đảm luôn hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia giao dịch dân sự, đặc biệt là quyền lợi của bên có quyền trong giao dịch này. Với ý nghĩa đó, việc xác lập các giao dịch bảo đảm đã góp phần không nhỏ vào sự ổn định của các quan hệ dân sự, kinh tế, tránh các tranh chấp phát sinh từ việc không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không đúng nghĩa vụ dân sự, kinh tế của bên có nghĩa vụ gây ra. Đồng thời, trong trường hợp nêu trên, các giao dịch bảo đảm còn tạo điều kiện khắc phục những thiệt hại cho bên có quyền một cách nhanh chóng và hiệu quả. Trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, chúng giữ một vai trò quan trọng đối với việc mở rộng tín dụng cho nền kinh tế. Vai trò đó được thể hiện thông qua việc mở rộng khả năng, cơ hội tiếp cận tín dụng nói chung, tín dụng ngân hàng nói riêng của các doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân, đồng thời tác động trực tiếp, mạnh mẽ tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao dịch bảo đảm chính là giải pháp cho việc tiếp cận tín dụng vì để nâng cao sự an toàn cho việc thu hồi vốn, các tổ chức tín dụng thường yêu cầu có biện pháp bảo đảm bằng tài sản khi cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Dưới góc độ này, các giao dịch bảo đảm đã trở thành công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận tín dụng ngân hàng.
Mặt khác, việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản sẽ bảo đảm quyền ưu tiên của tổ chức tín dụng trong việc thu hồi nợ trong trường hợp doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn trong thanh toán, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản. Hơn nữa, việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp sẽ bảo đảm cho tổ chức tín dụng quản lý, theo dõi được hoạt động của doanh nghiệp một cách chặt chẽ hơn, từ đó bảo đảm an toàn cho tổ chức tín dụng trong việc thu hồi vốn vay.
Giao dịch bảo đảm được thiết lập trên cơ sở hợp đồng, do đó, quyền tự do cam kết, thoả thuận của các bên tham gia giao dịch đóng vai trò quyết định. Áp dụng biện pháp bảo đảm, chủ nợ không chỉ có quyền theo hợp đồng buộc bên vay nợ phải hoàn trả vốn vay, mà còn có quyền xử lý tài sản mà bên vay dùng để bảo đảm. Điều này sẽ đặc biệt có ý nghĩa trong trường hợp doanh nghiệp bị lâm vào tình trạng phá sản.
Những khía cạnh kinh tế, pháp lý của giao dịch bảo đảm cho thấy thiết chế này đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng, các doanh nghiệp nói chung. Thông qua đó, góp phần to lớn trong việc mở rộng tín dụng cho nền kinh tế.
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký