1. Vì sao phải có tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp?
Hoạt động của doanh nghiệp nói chung gắn liền với thị trường và chịu sự chi phối của quy luật cạnh tranh, ở Việt Nam tuỳ môi trường hoạt động mà tác động của quy luật này biểu hiện ở nhiều cấp độ trong các thành phần kinh tế khác nhau.
Kể từ 2 năm trở lại đây, khi Việt Nam chính thức ra nhập tổ chức thương mại thế giới ( WTO ) thì hơn lúc nào hết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp muốn thành công, phát triển bền vững không thể không tuân thủ các quy định của pháp luật và những cam kết quốc tế.
Đối với mỗi doanh nghiệp khi tham gia vào sân chơi WTO thì lúc này chính là thời điểm thích hợp cần nghiên cứu thành lập một bộ phận chuyên nghiệp độc lập làm công tác pháp chế để tư vấn, tham mưu giúp lãnh đạo doanh nghiệp vận dụng hợp lý đường lối, chính sách của nhà nước, tìm hiểu đối tác làm ăn để nắm bắt kịp thời cơ hội và hạn chế rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp chính là bộ phận tư vấn, hỗ trợ lãnh đạo doanh nghiệp khắc phục những sai sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ, là cầu nối giữa doanh nghiệp với các công ty luật, các tổ chức tư vấn pháp chế để tham kiến hoặc thuê tư vấn pháp luật khi những vấn đề vượt tầm kiểm soát nội bộ.
Trong những năm gần đây, với chính sách thu hút đầu tư nhằm phát triển nền kinh tế đất nước, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật liên quan hoạt động kinh tế, cùng với đó là hàng loạt các nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành luật, ngoài ra, một số bộ luật đã ban hành cũng được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và cam kết quốc tế. Điều này cho thấy sự cần thiết của bộ phận pháp chế chuyên trách giúp lãnh đạo doanh nghiệp nắm bắt kịp thời những quy định của pháp luật để vận dụng những chính sách đó vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Với những tập đoàn, tổng công ty, và những doanh nghiệp có quy mô lớn thì bộ phận pháp chế được thành lập do quy mô sản xuất ngày càng phát triển, phạm vi kinh doanh ngày càng mở rộng, nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh lớn có liên quan tới yếu tố nước ngoài, nhiều dự án đầu tư phải tiến hành đấu thầu quốc tế phải thuê các công ty luật, công ty tư vấn giám sát dự án đầu tư. Hoạt động này càng ngày càng trở nên phổ biến khi có nhiều doanh nghiệp đã gặp những rủi ro trong quá trình làm ăn với các đối tác nước ngoài do thiếu hiểu biết về luật pháp, tập quán kinh doanh của mỗi quốc gia và thông lệ quốc tế. Do đó, doanh nghiệp rất cần thiết phải có một tổ chức pháp chế vừa giúp lãnh đạo những vấn đề thuộc phạm vi pháp luật vừa làm đầu mối quan hệ với các tổ chức tư vấn chuyên môn, tư vấn luật để đảm bảo về mặt pháp lý. Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi thành lập ra tổ chức pháp chế là giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn an toàn trong hành lang pháp lý.
2. Những thuận lợi khi doanh nghiệp có tổ chức pháp chế:
- Có bộ phận chuyên trách chuyển tải kiến thức pháp luật vào đời sống doanh nghiệp, từng bước mở rộng và nâng dần hệ thống tri thức pháp luật cho người lãnh đạo doanh nghiệp và cán bộ, công nhân, viên chức của doanh nghiệp đó. Điều này giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trên cơ sở chuyển biến ý thức, hành vi chấp hành pháp luật từ tự phát sang tự giác.
- Xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào pháp luật khi pháp luật thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng và tổ chức pháp chế hoạt động như một cầu nối giữa việc gắn thực thi pháp luật với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tổ chức pháp chế doanh nghiệp với chức năng của mình sẽ giúp doanh nghiệp có sự chặt chẽ trong quá trình kinh doanh, đồng thời nắm bắt nhiều cơ hội kinh doanh, hạn chế rủi ro trong hoạt động của mình.
Xuất phát từ những ưu điểm trên mà tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức pháp chế đã trở thành địa chỉ gần gũi với các doanh nghiệp thành viên, những ý kiến tư vấn đưa ra thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tạo được sự tín nhiệm của lãnh đạo.
3. Tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp thực hiện chức năng, nhiệm vụ gì?
Từ sự cần thiết phải có tổ chức pháp chế trong mỗi doanh nghiệp, trên cơ sở một số tổng kết của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, chúng ta có thể thấy tổ chức pháp chế thường thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Tham gia đàm phán, thương thảo các hợp đồng quan trọng của doanh nghiệp với các đối tác trong kinh doanh; thẩm định các dự thảo thoả thuận, các hợp đồng hợp tác, các dự án đầu tư để đảm bảo không trái pháp luật, điều lệ hoặc có sơ hở, sai sót về mặt pháp luật có thể dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.
- Soạn thảo, thẩm định các dự thảo quy chế, quy định quản lý và các văn bản quan trọng khác của đơn vị theo sự phân công của lãnh đạo
- Cập nhật thông tin về các văn bản pháp luật mới ban hành, về tình hình thị trường kinh tế thông qua các phương tiện thông tin, các tổ chức pháp chế thuộc các cơ quan nhà nước, và cung cấp thông tin cho lãnh đạo doanh nghiệp về việc vận dụng pháp luật trong điều hành sản xuất, trong các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, trong các hợp đồng thương mại, tài chính, tín dụng, dịch vụ, đào tạo, xây dựng... ,
- Tư vấn giúp lãnh đạo doanh nghiệp trong hoạt động bằng cách đưa ra các dự báo tác động về tình hình giá cả, thị trường... nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
4. Những điểm doanh nghiệp cần lưu ý để tổ chức pháp chế hoạt động có hiệu quả :
a. Công tác tuyển chọn và đào tạo nhân sự.
Đây là công việc trọng tâm bởi trong bất kỳ thời điểm nào, để hoạt động kinh doanh phát triển, các doanh nghiệp phải rất chú ý đến vấn đề nhân sự. Đối với một số doanh nghiệp, khi thành lập tổ chức pháp chế thì nhân sự được tuyển dụng mới, sau đó sẽ có chế độ đào tạo bồi dưỡng định kỳ. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp, lực lượng ban đầu được bổ sung từ các bộ phận chuyên môn, chủ yếu là các chuyên gia kinh tế đã có kinh nghiệm trong một ngành nghề cụ thể. Điều đó có nghĩa là quá trình tiếp cận với loại hình công việc này gần như phải tự hoàn thiện mình bằng phương pháp tự học, tự nghiên cứu dựa trên những đặc thù kinh doanh của từng doanh nghiệp kết hợp với kinh nghiệm công tác và tranh thủ tư vấn của các công ty luật, và một số hiệp hội doanh nghiệp khác để vận dụng vào quá trình hoạt động. Nhìn chung, công tác pháp chế trong doanh nghiệp vẫn còn là một vấn đề mới với nhiều doanh nghiệp. Do đó, nếu doanh nghiệp muốn thành lập một tổ chức pháp chế thì cán bộ pháp chế cần phải đáp ứng được một số yêu cầu chung như sau:
- Phải nắm vững những kiến thức cơ bản của pháp luật đặc biệt là những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình; Am hiểu thấu đáo, vận dụng pháp luật đúng đắn, linh hoạt trong công việc. Ngoài ra, phải có thói quen làm việc năng động, sáng tạo.
- Thường xuyên mở rộng, cập nhật và làm sâu sắc hơn tri thức pháp luật. Đây là mục tiêu buộc mọi người phải tự giác phấn đấu, cần phải tự tìm hiểu nhiều hơn thông qua các hình thức tổng hợp, phân tích đánh giá công việc đã làm để bổ sung và hoàn thiện dần kiến thức và kinh nghiệm công tác.
- Biết cách phân tích và đánh giá đúng đắn các hành vi pháp lý. Phân tích hành vi pháp lý trong hoàn cảnh cụ thể, thời điểm phát sinh cụ thể và chuyển tải trí thức pháp luật đến mọi người trong các bộ phận doanh nghiệp.
b. Cách thức thực hiện:
- Thành lập tủ sách pháp luật tại doanh nghiệp và khuyến khích các đơn vị thành viên thành lập tủ sách pháp luật để lúc nào cũng sẵn sàng có đủ tài liệu để tham khảo, vận dụng trong công việc hàng ngày.
- Khai thác các thông tin từ mạng Iternet, trang web của nhiều cơ quan có liên quan tới pháp luật chung và pháp luật ngành, các dịch vụ tư vấn từ các Bộ, ngành, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, các công ty luật trong và ngoài nước và qua báo chí.
- Tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức pháp chế khác như Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp, Phòng Thương mại Công nghiệp VN... thông qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hội thảo làm rõ thêm những nội dung pháp lý, thông lệ quốc tế và tập quán quốc tế, thậm chí nhiều vấn đề liên quan tới hợp đồng, dự án lớn với đối tác nước ngoài thì phải chủ động thuê các công ty luật nước ngoài có uy tín, thương hiệu để trực tiếp tư vấn pháp lý qua đó các cán bộ làm công tác pháp chế của doanh nghiệp có điều kiện và cơ hội học hỏi nâng cao nhận thức pháp luật.
5. Kết luận:
Mặc dù có vai trò rất quan trọng như trên, nhưng tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp chưa được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho là cần thiết bởi nhiều người có tính bảo thủ, ngại thay đổi thói quen kinh doanh, thích điều hành công việc bằng kinh nghiệm. Vì vậy, họ không quan tâm nhiều đến những quy định chặt chẽ của pháp luật. Họ chỉ quan tâm đến pháp luật khi ở doanh nghiệp có vụ việc sai phạm do bị phát hiện và có nguy cơ trở thành hình sự, hoặc sự vi phạm sẽ đem đến sự thiệt hại về kinh tế, hoặc gặp phải những rủi ro trong kinh doanh. Khi đó, họ mới quan tâm đến bộ phận pháp chế với mục đích là làm thế nào giải quyết vụ việc, khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất, ít thiệt hại nhất. Do sự nhận thức như vậy nên rất nhiều sự việc đáng tiếc đã xảy ra, gây thiệt hại về kinh tế, để lại những bài học quý cho các doanh nghiệp rút kinh nghiệm.
Trên đây là một vài nội dung giúp doanh nghiệp hiểu thêm về tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp nên quan tâm và đầu tư hơn cho công tác pháp chế của doanh nghiệp mình để góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế những rủi ro, đưa doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ngày càng phát triển.
Lệ Hằng