Cục Cảnh sát biển kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (28/8/1998- 28/8/2008)

27/08/2008
Ngày 28/03/1998, UBTVQH đã thông qua Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đánh dấu sự ra đời của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Thực hiện Pháp lệnh trên, ngày 21/7/1998, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/1998/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Ngày 28/8/1998, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1069/QĐ-BQP thành lập Lực lượng Cảnh sát biển và giao cho Tư lệnh Hải quân giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy, điều hành hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển.

Ngày 01 tháng 9 năm 1998, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ ra mắt thành lập lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và sau đó lần lượt cơ quan Cục Cảnh sát biển, các Vùng 1, 5, 4, 3 Cảnh sát biển được thành lập. Ngày 28/8 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.

Trong 10 năm qua, với chức năng là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam, lực lượng Cảnh sát biển đã chủ trì thực hiện, thường xuyên phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, tham gia quản lý, giám sát hoạt động nghề cá trong các vùng nước Hiệp định ở Vịnh Bắc Bộ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần duy trì nghiêm trật tự, an toàn, an ninh trên biển, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân làm ăn sinh sống và hoạt động trên biển, thềm lục địa của Tổ quốc đạt hiệu quả nhất.

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của lực lượng Cảnh sát  biển, là lực lượng ra đời trong bối cảnh Việt Nam chưa có tiền lệ và sau khi có Pháp lệnh thì lực lượng mới được thành lập; đây là đặc điểm riêng so với một số lực lượng chuyên ngành khác của nhà nước ta. Do đó, quá trình hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển đã gặp phải không ít khó khăn, thử thách cả về biên chế, tổ chức và công tác chuyên môn nghiệp vụ, nhất là công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm trên biển. Nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Quân sự TW và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát biển, đến nay, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách của Nhà nước trong duy trì an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát biển vừa hoạt động vừa rút kinh nghiệm, sao cho sát với tình hình thực tiễn yêu cầu, nhiệm vụ theo thẩm quyền, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy trình hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm phù hợp với Luật Biển quốc tế và pháp luật Việt Nam. Trong những năm qua, các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì an ninh trên các vùng biển và thềm lục địa đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phòng, chống có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xâm phạm chủ quyền…Thông qua việc thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên biển, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cũng như chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển cho bà con ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã và đang góp phần đảm bảo hoạt động nghề cá của ngư dân, chấn chỉnh những vi phạm về hàng hải của tàu thuyền hoạt động trên biển. Quá trình hoạt động trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm an toàn, góp phần thực hiện tốt các quy định tại Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tính đến nay, các đơn vị tàu Cảnh sát biển đã trực tiếp tuần tra, phối thuộc với các đơn vị trong và ngoài lực lượng hoạt động được hàng trăm lần chuyến tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển và thềm lục địa nước ta. Trong đó đã trực tiếp kiểm tra 6.241  tàu thuyền các loại của Việt Nam và nước ngoài, xử lý 2.658 tàu, thu từ xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước hơn 13 tỷ đồng, tiến hành bàn giao gần 100 tàu thuyền vi phạm cho các lực lượng Thuế, Hải quan, Biên phòng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình… xử lý theo quy định của pháp luật; xua đuổi hàng trăm lượt tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển nước ta; kiểm tra và giám sát hoạt động nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ đạt hiệu quả cao.

Tình hình đánh bắt trộm hải sản của tàu thuyền nước ngoài trên các vùng biển nhất là vùng biển Tây Nam và Vịnh Bắc Bộ được kiểm soát, số lượng tàu thuyền nước ngoài xâm phạm trái phép chủ quyền đánh bắt trộm hải sản ngày càng giảm. Việc giải quyết tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển Việt Nam nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam giảm bớt căng thẳng, tránh được các đụng độ giữa tàu quân sự với tàu nghiên cứu khoa học trên biển, trong chừng mực nào đó lực lượng Cảnh sát biển đã làm mềm hoá giải quyết các tranh chấp trên biển.

Ngay khi Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực (30/6/2004), Cục Cảnh sát biển đã tiến hành tập huấn cho các đối tượng liên quan trong toàn Cục, phân công trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị để chủ trì, giám sát việc thực hiện Hiệp định có hiệu quả nhất. Phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng và xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát trong Vùng nước hiệp định, nhằm khẳng định chủ quyền, đồng thời tuyên truyền, khuyến khích ngư dân Việt Nam ra đánh bắt hải sản trong các vùng nước Hiệp định.

Trong nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, lực lượng Cảnh sát biển là lực lượng chính của nước CHXHCN Việt Nam trong hợp tác quốc tế chống cướp biển theo Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á.

Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép các chất ma tuý trên biển trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã bước đầu khẳng định được vị trí vai trò của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị trong Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành Trung ương có liên quan thông qua các quy chế phối hợp với các lực lượng thuộc Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Thuế… tạo thành sức mạnh tổng hợp trên mặt trận chống buôn lậu, ma tuý. Gắn chặt đấu tranh chống buôn lậu với đấu tranh tiêu cực, nhanh chóng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh những vụ án lớn, điển hình, góp phần đẩy lùi, hạn chế các hoạt động buôn lậu, buôn bán ma tuý nói chung và trên tuyến biển nói riêng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên biển và các địa phương ven biển.

Quá trình hoạt động, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từng bước thiết lập được các cơ quan nghiệp vụ chuyên môn theo chức năng của mình như Trinh sát, Ma tuý; kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn lậu, trốn thuế, cướp biển và các hoạt động trái phép trên các vùng biển, đảo nước ta; cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước duy trì quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển đạt hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã giao cho lực lượng Cảnh sát biển rất lớn, chức năng quan trọng, vùng biển quản lý rộng, trong khi đó trang bị về tàu thuyền, phương tiện, tổ chức, biên chế, cơ chế tổ chức, điều hành và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mà pháp luật quy định. Để tạo điều kiện cho lực lượng Cảnh sát biển hoạt động trên biển đạt hiệu quả cao cần thiết phải tăng cường biên chế, tổ chức và trang bị công cụ hỗ trợ đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát biển có đủ sức mạnh hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao, góp phần giữ vững tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển, bảo đảm sự hoạt động bình thường cho các tổ chức, cá nhân và ngư dân làm ăn trên biển, tạo được lòng tin đối với nhân dân. Đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới nhằm thực hiện tốt chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 mà Nghị quyết Hội  nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khoá X đã đề ra./.

Nguyễn Giang Đông - Phòng Pháp luật - Cục Cảnh sát biển