Đăng ký giao dịch bảo đảm: Người dân chỉ được lợi

26/08/2008
Đại diện các cơ quan của Chính phủ, từ Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đến Ngân hàng Nhà nước đều cho rằng, đã đến lúc cần thiết phải ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm và Luật Đăng ký bất động sản để tạo thuận lợi cho người dân cũng như sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, đề nghị này của Chính phủ chưa nhận được sự đồng thuận của Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội. Đây cũng là nội dung chính trong buổi thảo luận ngày 25/8 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Công khai, minh bạch thông tin về tài sản

Đối với dự án Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm, tại Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, một trong những mục đích để xây dựng dự án Luật này là “Góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho các bên giao dịch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản và cá nhân, tổ chức có liên quan”. Nếu dự án Luật này được thông qua, Chính phủ sẽ từng bước xây dựng Hệ cơ sở dữ liệu quốc gia giao dịch bảo đảm, trong đó tập trung toàn bộ các thông tin về giao dịch bảo đảm trong phạm vi cả nước để cung cấp cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu. Những điều này chỉ có lợi cho người dân và các cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, văn bản quy định chung về pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm hiện nay mới là Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 của Chính phủ. Một số quy định trùng lặp, mâu thuẫn và không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Ngoài ra, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm còn thiếu thống nhất, chưa thực sự đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi cho cá nhân, tổ chức. Nhiều cơ quan giải quyết hồ sơ đăng ký và cung cấp thông tin còn chậm hoặc từ chối không có căn cứ pháp lý, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Vì thế, việc xây dựng và ban hành Luật Đăng ký giao dịch bảo đảm vào thời điểm này là cần thiết.

Thực tế cuộc sống đòi hỏi

Thảo luận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật và một số thành viên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội lại cho rằng, pháp luật hiện hành quy định việc đăng ký đối với các giao dịch được đảm bảo bằng các loại tài sản khác nhau trong các văn bản pháp luật khác nhau, với trình tự, thủ tục khác nhau và giá trị pháp lý của việc đăng ký cũng khác nhau. Uỷ ban Pháp luật cho rằng, sở dĩ có sự khác nhau như vậy là do có những loại hình giao dịch bảo đảm khác nhau, tài sản tham gia giao dịch cũng khác nhau và tính chất cũng như nhu cầu quản lý đối với mỗi loại tài sản cũng có sự khác nhau. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thuận đề nghị không cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật ĐKGDBĐ mà cứ để như quy định hiện hành, vướng ở luật chuyên ngành nào thì sửa ở luật đó.

Có cách nhìn khái quát hơn về vấn đề ĐKGDBĐ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba nhận định, trong 6 năm qua, các Trung tâm ĐKGDBĐ trên cả nước đã thực hiện trên 300 nghìn giao dịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Điều đó chứng tỏ rằng nhu cầu của xã hội về ĐKGDBĐ là có và rất cần. “Trong khi các luật chuyên ngành đều có quy định về ĐKGDBĐ nhưng còn tản mạn, rất khó cho người dân khi muốn tìm hiểu thông tin về tài sản thì việc xây dựng Luật ĐKGDBĐ nhằm tạo thuận lợi cho người dân là cần thiết” – bà Lê Thị Thu Ba bày tỏ quan điểm. Lý giải cho ý kiến của mình, bà Lê Thị Thu Ba đưa ra một ví dụ rất dễ xảy ra trong cuộc sống: “Một người có căn nhà trị giá một tỷ, đem thế chấp chỉ để vay ngân hàng 1 trăm triệu, nếu không có cơ quan ĐKGDBĐ chứng minh điều này thì người đó rất khó có thể lấy giấy tờ đem đến ngân hàng khác vay thêm một khoản nữa”. Trong trường hợp này, nếu căn nhà đó có ĐKGDBĐ và được xác nhận mới dùng thế chấp để vay 1 trăm triệu, thì người dân hoàn toàn có thể dùng chính căn nhà đã thế chấp để tiếp tục vay thêm, miễn sao khoản vay không vượt quá giá trị căn nhà. Điều này hầu như khó xảy ra hiện nay vì thông thường khi người dân đã mang giấy tờ đi thế chấp thì Ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc để làm tin. Chính vì vậy, bà Lê Thị Thu Ba khẳng định: “Người dân có nhiều tài sản, nhưng để tài sản đó có thể đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì cần có hoạt động ĐKGDBĐ. Mặt khác, hoạt động này không phải là bắt buộc nên chỉ khi cần thiết và thấy thuận lợi thì người dân mới tiến hành đăng ký”.

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đều ủng hộ quan điểm cần xây dựng Luật ĐKGDBĐ vì cho rằng, trong nghiệp vụ ngân hàng, đối với một tài sản đem thế chấp vay nhiều nơi thì ngân hàng rất cần có một cơ quan xác định giúp tình trạng pháp lý của giao dịch đó như thế nào trước khi họ quyết định có cho khách hàng vay hay không. Thực tế hiện nay đã có không ít tranh chấp xảy ra do người mua tài sản không nắm được thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản, không biết tài sản mình mua đã bị đem thế chấp ở ngân hàng. “Chúng tôi cần có một nơi để công khai, minh bạch tình trạng pháp lý của tài sản đó. Trong giao dịch, mua bán giữa cá nhân với cá nhân cũng vậy” – bà Dương Thu Hương ý kiến.

Trước hai quan điểm khác nhau của Chính phủ - Cơ quan trình dự thảo Luật ĐKGDBĐ và Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội – đơn vị thẩm tra dự án Luật, các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Tòng Thị Phóng, Huỳnh Ngọc Sơn đều cho rằng: “Trong xã hội hiện nay, những hoạt động giao dịch cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, tín chấp đang có những vấn đề rất phức tạp. Các Bộ, ngành: Xây dựng, Tài nguyên – Môi trường, Ngân hàng… đều thấy cần thiết phải ban hành Luật này, bởi vậy, Ban Soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật cần tiếp tục ngồi lại với nhau để hoàn chỉnh thêm những quy định tại dự án Luật và tìm tiếng nói chung”.

Kết luận buổi thảo luận về dự án Luật ĐKGDBĐ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng: ĐKGDBĐ là một Luật mới, bởi vậy, trong quá trình thảo luận không thể tránh khỏi có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ đã có một quá trình chuẩn bị dự án Luật công phu, nghiêm túc, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã thẩm tra với tinh thần trách nhiệm, mục đích là để các quy định khỏi trùng lắp, tính khả thi cao. Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra dự án Luật ĐKGDBĐ tiếp tục bàn bạc kỹ hơn, thống nhất với nhau về phạm vi điều chỉnh và các quy định cụ thể khác của dự Luật. Phiên họp sau, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.

Hồng Thuý  

Bà Nguyễn Thuý Hiền, Cục trưởng Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm: “Dự thảo Luật tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, tổ chức”

PV: Lâu nay, người dân ít có thói quen đi đăng ký ĐKGDBĐ cho tài sản của mình, nay theo dự luật, nếu cá nhân, tổ chức tiến hành đăng ký thì giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm được tính như thế nào, thưa bà?

*. Nhằm phân biệt giữa giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm với giá trị pháp lý của hợp đồng được các bên giao kết, trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cá nhân, tổ chức trong giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại, dự thảo Luật ĐKGDBĐ quy định việc đăng ký ĐKGDBĐ có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3 và là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán. Ngoài ra, dự thảo Luật không quy định đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực.

PV: Người dân và doanh nghiệp có thể nhìn thấy lợi ích gì từ việc tham gia đăng ký giao dịch bảo đảm nếu Luật này được thông qua, thưa bà?

*. Một số Luật chuyên ngành hiện nay quy định việc ĐKGDBĐ là bắt buộc trong các giao dịch, chẳng hạn ĐKGDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Dự thảo Luật ĐKGDBĐ được xây dựng theo hướng tôn trọng quyền định đoạt, thoả thuận giữa các bên. Đồng thời, xuất phát từ nhu cầu minh bạch, công khai hoá tình trạng pháp lý của các tài sản là động sản, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia giao dịch nhằm tạo điều kiện thúc đẩy giao dịch dân sự, kinh tế phát triển, dự thảo Luật mở rộng phạm vi các giao dịch được đăng ký theo yêu cầu bao gồm: bán có thoả thuận chuộc lại hoặc bán hàng thông qua đại lý đối với tài sản là động sản.

Nói tóm lại, Luật mong muốn các giao dịch nói chung và thị trường tín dụng an toàn hơn. Qua luật này, Ban Soạn thảo cũng mong muốn đưa ra một cơ chế công khai minh bạch thông tin về tài sản để bất cứ ai khi có nhu cầu đều có thể tiếp cận, nắm được tình trạng pháp lý của tài sản và  yên tâm đầu tư. Ngoài ra, dự Luật cũng có một số quy định nhằm cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian đăng ký so với hiện hành.

PV: Xin cảm ơn bà!