Là hoạt động bổ trợ tư pháp, giám định tư pháp (GĐTP) có vị trí, vai trò quan trọng đối với hoạt động tố tụng. Xét về tính chất, giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn có hàm lượng chất xám cao, hao tổn sức lực. Tuy nhiên, phải đến năm 1996, thì chế độ bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp căn cứ vào mức lương tối thiểu hiện hành mới được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Và, cho đến nay, sau 12 năm chế độ này vẫn được áp dụng, cho dù mức lương tối thiểu đã được nâng lên tới 7 lần.
Làm hiện tại, hưởng “quá khứ”
Theo quy định của Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1998 của Hội đồng Bộ trưởng khi thực hiện giám định, giám định viên được hưởng phụ cấp tuỳ theo tính chất đơn giản hay phức tạp của từng vụ việc được trưng cầu. Tuy nhiên, cũng phải đến gần 10 năm sau Nghị định trên, là năm 1996 thì chế độ bồi dưỡng cho giám định viên mới được cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể, Quyết định số 160/TTg ngày 15/3/1996 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối với việc thực hiện giám định theo vụ việc mức bồi dưỡng cao nhất là 150.000 đồng, thấp nhất là 10.000 đồng, đối với việc thực hiện giám định theo ngày công mức bồi dưỡng là 12.000 đồng/ngày. Mức bồi dưỡng cho giám định viên tư pháp ở lĩnh vực pháp y cũng không nằm ngoài định mức trên. Vì thế, kể cả khai quật tử thi đã có thời gian phân huỷ dài ngày, giám định viên cũng chỉ được hưởng mức bồi dưỡng tối đa là 150.000 đồng/vụ việc. Người giúp việc cho giám định viên được hưởng bồi dưỡng bằng 70% mức bồi dưỡng của giám định viên.
Ngày 29/4/2004, Pháp lệnh giám định tư pháp đã được thông qua, sau đó là Nghị định 67/2005/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện, với những điều khoản ghi nhận sự đãi ngộ của Nhà nước đối với hoạt động giám định tư pháp. Những tưởng, từ đó chế độ bồi dưỡng cho giám định tư pháp sẽ sớm được cải thiện phù hợp với thời cuộc. Tuy nhiên, cho đến nay, chế độ bồi dưỡng đối với giám định tư pháp vẫn giẫm chân tại chỗ, chưa hề được điều chỉnh để phù hợp với quy định của Pháp lệnh, Nghị định và tình hình thực tế.
Với mức bồi dưỡng “bảo lưu” từ năm 1996 này, giám định viên tư pháp đã không được nhận sự đãi ngộ tương xứng cho những hao tổn chất xám, sức lực, trách nhiệm pháp lý, áp lực công việc mà họ phải đối mặt. Chưa nói gì đến ý nghĩa động viên, khuyến khích giám định viên gắn bó, tận tâm với công việc. Vì vậy, thời gian qua, các tổ chức giám định trên toàn quốc không chỉ không thu hút được thêm nhân lực, mà còn phải bó tay trước nạn chảy máu chất xám, thất thoát cán bộ giỏi. Và, đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng chính là hoạt động tố tụng với số lượng vụ án bị ách tắc do không thể trưng cầu giám định, hoặc chất lượng giám định không đảm bảo, ngày càng gia tăng.
Sớm ngày nào tốt ngày ấy
Là mong muốn của các giám định viên tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp ở trung ương và địa phương cũng như của Bộ Tư pháp, với vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động giám định, về một sự sửa đổi, bổ sung chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
Với vai trò của mình, Bộ Tư pháp là cơ quan chấp bút giúp Chính phủ xây dựng Quyết định quy định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Đây thực sự là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng không kém phần nặng nề, vì những quy định mới này sẽ được xem như một động lực quan trọng, giúp hoạt động giám định bước qua thời kỳ khó khăn để khởi sắc.
Với sự đóng góp ý kiến của các tổ chức giám định, cũng như dựa trên các căn cứ cần thiết khác như tốc độ trượt giá tiêu dùng từ năm 1996 đến nay (gần 200%), tỷ lệ tăng giữa mức bồi dưỡng và mức lương tối thiểu, mức bồi dưỡng phải thể hiện được sự thu hút, ưu đãi người làm giám định, trở thành một phần quan trọng trong thu nhập của họ, Bộ Tư pháp đã hoàn tất việc xây dựng một thang bảng tương đối hợp lý cho chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Theo đó, đối với việc giám định thực hiện theo ngày công, người giám định tư pháp được hưởng mức bồi dưỡng từ 80.000 đến 400.000 đồng/ngày, đối với việc giám định thực hiện theo vụ việc mức bồi dưỡng là 60.000 đến 1.200.000 đồng/vụ việc/người. Người giúp việc cho giám định viên được hưởng 85% mức bồi dưỡng của giám định viên. Dự thảo Quyết định đã được sự nhất trí của hầu hết đại diện các Bộ, ngành hữu quan như Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ VH-TT-DL, Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…
Giờ G đã điểm
Trong tháng 9 tới, Bộ Tư pháp sẽ trình Quyết định về chế độ bồi dưỡng cho giám định tư pháp để Thủ tướng Chính phủ ban hành . Đây cũng là thời điểm mà các giám định viên tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp ở trung ương và địa phương từ lâu mong mỏi. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến chế độ đãi ngộ đối với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp như mức bồi dưỡng, phụ cấp trách nhiệm công việc, thù lao giám định, thời gian, cách thức, chủ thể chi trả…cũng sẽ nằm trong kế hoạch điều tra, khảo sát thực trạng tổ chức và hoạt động giám định tư pháp trên toàn quốc do Vụ Bổ trợ, Bộ Tư pháp thực hiện (dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2008) nhằm phục vụ cho việc xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giám định tư pháp và xây dựng Luật Giám định tư pháp.
Xuân Hoa
Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho 2 chức danh trên sẽ được hưởng chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo luật định. Nguồn kinh phí chi trả chế độ bồi dưỡng lấy từ ngân sách Nhà nước đối với các vụ án hình sự được cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu. Đối với các vụ việc dân sự, án hành chính chế độ bồi dưỡng do tổ chức, cá nhân trưng cầu trả, hoặc do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và tố tụng hành chính |