Sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo (MTQGGN) giai đoạn 2006 – 2010, Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình. Nhưng, đây mới chỉ là những hướng dẫn chung nhất nên việc thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình vẫn gặp không ít khó khăn.
Vẫn đang vướng mắc
Để hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo đến 2010 với mục đích chung là “tạo môi trường tăng trưởng nhanh, bền vững và xoá đói, giảm nghèo”. Trong đó, xác định rõ phải “hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường TGPL và khả năng tiếp cận pháp lý cho người nghèo. Mở rộng mạng lưới trợ giúp pháp luật để người nghèo ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp pháp luật”. Như vậy, TGPL cho người nghèo và các đối tượng chính sách được coi là một trong những chính sách của Chiến lược. Tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược trong thực tiễn, ngày 5/2/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQGGN 2006 – 2010. Theo Chương trình, TGPL cho người nghèo là một trong những chính sách giảm nghèo nhằm mục tiêu đến năm 2010 phấn đấu TGPL miễn phí cho 98% người nghèo có nhu cầu.
Ngày 20/8/2007, Liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư liên tịch số 102/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với một số dự án của Chương trình MTQGGN. Thông tư này đã có một số hướng dẫn về nội dung, mức chi và cơ chế quản lý tài chính đối với các dự án và hoạt động được bố trí nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình MTQGGN cho chính sách TGPL. Theo đó, các nội dung được hỗ trợ bao gồm: hỗ trợ các xã tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại cơ sở (xã, thôn, bản) nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho người nghèo; tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL tại xã nhằm phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật và giải quyết vụ việc đơn giản tại cộng đồng; tổ chức TGPL lưu động tại xã; cung cấp tờ gấp pháp luật, băng catset miễn phí cho người nghèo. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 102 lại quy định, mức hỗ trợ do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định phù hợp với từng xã, tối đa là 2 triệu đồng/xã/năm. Với nhiều nội dung hoạt động vừa nêu thì quy định trên là chưa phù hợp.
Một chuyên viên Cục TGPL (Bộ Tư pháp) cho rằng, cần điều chỉnh mức 2 triệu/xã/năm theo hướng chỉ áp dụng cho sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL mà không phải cho tất cả các hoạt động của chính sách TGPL. Đồng thời, nên bổ sung nội dung chi cho tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên, bởi lẽ, đây là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện TGPL và đã được đề cập trong Khung theo dõi, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình MTQGGN. Ngoài ra, Thông tư liên tịch cũng chưa hướng dẫn cụ thể chế độ thanh quyết toán kinh phí thuộc Chương trình: Trung tâm TGPL trực tiếp quyết toán với Kho bạc nhà nước hay phải thông qua Sở Lao động, Thương binh và Xã hội? Chuyên viên này cho biết, Bộ Tư pháp đang tiến hành xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình MTQGGN nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Nhưng, muốn giải quyết thật triệt để và thấu đáo, liên Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội và Tư pháp phải phối hợp tích cực hơn nữa trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn.
Đòi hỏi địa phương phải tích cực, chủ động
Mặc dù vậy, việc tổ chức, thực hiện chính sách TGPL trong Chương trình MTQGGN của các địa phương vẫn thu được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các xã nghèo. Một trong những điển hình đó là Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Cà Mau. Trung tâm đã chủ động đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nhiệm vụ và đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt.
Trung tâm rất chú trọng tới công tác tổ chức, thành lập, sinh hoạt các Câu lạc bộ TGPL tại các xã nghèo với quan niệm nếu có cách thức tổ chức tốt mô hình Câu lạc bộ ở cơ sở thì sẽ thu hút được đông đảo nhân dân tham gia và đem lại kết quả cao trong hoạt động TGPL. Vì vậy, đã có 9 CLB TGPL được thành lập, được duy trì hoạt động ổn định tại các xã nghèo thuộc Chương trình MTQGGN và cả Chương trình 135 giai đoạn ΙΙ. Trong những tháng đầu năm 2008, các CLB đã tổ chức sinh hoạt 10 cuộc, thu hút hàng trăm người tham gia, tỷ lệ người thuộc diện được TGPL tham gia sinh hoạt đạt gần 70%. Các CLB còn thực hiện tư vấn pháp luật cho 62 trường hợp (tư vấn trực tiếp 50 vụ), hoà giải 22 cuộc (hoà giải thành 8 trường hợp)…
Cẩm Vân