Bộ Tư pháp được giao chuẩn bị văn bản hệ thống hóa, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

28/08/2008
“Nên giao cho Bộ Tư pháp chuẩn bị văn bản quy định cụ thể việc hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) và hệ thống hóa, pháp điển hệ thống QPPL” – Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị. Hầu hết các thành viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận sáng ngày 27/8 đồng tình với đề nghị này.

Nên là một văn bản chứa hai nội dung

Sáng ngày 27/8, trình bày tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về một số nội dung liên quan đến việc thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL), một Luật sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2009, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong Luật BHVBQPPL năm 2008 có bổ sung 2 điều mới. Đó là Điều 92 về hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và Điều 93 về rà soát, hệ thống hoá, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, cả hai nội dung nói trên chưa được quy định cụ thể ngay trong luật mà đều giao lại cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định chi tiết. Vì vậy, Thường trực Uỷ ban pháp luật đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm chỉ đạo việc tổ chức soạn thảo, thông qua văn bản quy định cụ thể về nội dung này, nếu kịp có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (1/1/2009) là tốt nhất. “Cả hai văn bản này đều làm cơ sở cho việc thi hành một số nội dung của Luật BHVBQPPL nên đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho thể hiện theo hình thức pháp lệnh” – ông Thuận đề nghị.

Cho ý kiến về nội dung này, ông Lê Quang Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng: “Tôi đồng ý với việc bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và giao cho Bộ Tư pháp là cơ quan chuẩn bị. Nhưng về hình thức văn bản, không cần phải 2 văn bản khác nhau mà có thể là một Nghị quyết có 2 nội dung khác nhau”. Ông Trần Thế Vượng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều đồng tình với ý kiến của ông Bình vì cho rằng Bộ Tư pháp là cơ quan giúp Chính phủ chuẩn bị và trình dự án Luật BHVBQPPL và cũng đã có một số nghiên cứu sâu liên quan đến nội dung này.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết, Bộ Tư pháp đang khẩn trương hoàn thiện một dự thảo Nghị định để hướng dẫn tất cả những vấn đề mà Quốc hội giao liên quan đến Luật BHVBQPPL, dự kiến ban hành vào tháng 12 năm nay để cùng có hiệu lực với ngày Luật BHVBQPPL có hiệu lực thi hành. Riêng đối với việc hợp nhất VBQPPL và việc hệ thống hoá, pháp điển hệ thống QPPL, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội sớm quyết định địa chỉ giao việc chuẩn bị văn bản. Nếu giao việc chuẩn bị văn bản này cho Bộ Tư pháp thì cũng cần quyết định sớm để Bộ Tư pháp đưa vào chương trình thực hiện.

Các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhận định, giao việc chuẩn bị văn bản này cho Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tư pháp vẫn là hợp lý nhất, bởi vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận: “Việc này thống nhất giao cho Chính phủ, mà cụ thể là Bộ Tư pháp, còn hình thức văn bản là Nghị quyết hay Pháp lệnh sẽ tính sau”.

Chẳng lẽ lại sửa Luật?

Điều khiến các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tranh cãi nhiều trong phiên  thảo luận lại là quy định về điều khoản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết. Khoản 1 Điều 8 Luật BHVBQPPL quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi văn bản đó có hiệu lực thì thi hành được ngay; trường hợp trong văn bản có điều, khoản mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, những vấn đề chưa có tính ổn định cao thì ngay tại điều, khoản đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Cơ quan được giao ban hành văn bảng quy định chi tiết không được uỷ quyền tiếp”. Mục đích của quy định này là hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư, đến nỗi văn bản có hiệu lực từ lâu mà vẫn chưa thể thực hiện. Vấn đề hiện nay là thực hiện quy định này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Luật yêu cầu các dự án Luật phải chi tiết đến mức tối đa, nhưng trên thực tế thì đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, nhiều cái khó có thể chi tiết ngay. Trong  khi Quốc hội 1 năm chỉ họp có 2 kỳ, rất khó có thể xử lý nhanh các vấn đề xảy ra trong thực tiễn. Bởi vậy, cần có điều quy định Chính phủ hướng dẫn chi tiết điều này, điều kia, để phòng khi cơ quan hữu quan chuẩn bị văn bản Luật chưa lường hết được thì dễ cho Chính phủ xoay chuyển khi có tình huống phát sinh”. Chưa đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nếu quay trở lại thực hiện như vậy lại dễ dẫn đến việc phát sinh tình trạng Luật chờ nghị định, nghị định chờ hướng dẫn, mà hướng dẫn nhiều khi lại không đúng với luật và “như thế thì lại phải sửa Điều 8 của Luật vừa mới ban hành”. Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu về hướng thực hiện quy định sao cho hợp lý.

Ngoài nội dung trên, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề nghị của Uỷ ban Pháp luật về việc chỉ đạo thực hiện quy định về thời điểm thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; về ngày thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết; về việc phổ biến, phát hành VBQPPL theo đúng các quy định của Luật BHVBQPPL năm 2008.

HồngThuý