Là điều có thể ghi nhận tại Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp năm 2008 diễn ra vào ngày 9-10/9, cũng như tại các hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế khác đã được Bộ Tư pháp tổ chức từ trước đến nay.
Hào hứng những tình huống
Tuy nội dung bài giảng tập huấn của ông Nguyễn Am Hiểu – Phó Vụ trưởng Vụ Dân sự, Kinh tế, Bộ Tư pháp là những quy định của pháp luật về hợp đồng phần liên quan đến tập đoàn và uỷ quyền nhưng có thể thấy trong toàn bộ bài giảng tuyệt nhiên không có một điều luật khô cứng nào. Tất cả đã được “biến tấu” thành các bài tập tình huống rất sát thực và thú vị.
“Công ty bảo hiểm A chuẩn bị cổ phần hoá, cần tìm một nhà tư vấn quốc tế chuyên nghiệp theo phương thức đấu thầu. Công ty tư vấn MH thuộc tập đoàn tài chính quốc tế M đã nộp hồ sơ dự thầu. Luật sư của công ty bảo hiểm A cho rằng hồ sơ không hợp lệ vì toàn bộ hồ sơ đều giới thiệu chung về tập đoàn M. Cho biết ý kiến của bạn”. Theo giới thiệu của giảng viên, tình huống về sự “núp bóng hùm” này các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty sẽ không hiếm lần gặp phải trong quá trình hoạt động. Với sự gợi mở của giảng viên, rất nhiều đại biểu là cán bộ pháp chế đã tham gia bày tỏ ý kiến của mình. Không chỉ bày tỏ, các “đồng nghiệp pháp chế” còn tranh luận rất sôi nổi xem ai đúng, ai sai. Sau khi đã lắng nghe, phân tích, để chốt lại, giảng viên đưa ra kết luận và các quy định của pháp luật tương ứng.
Trên đây chỉ là 1 trong số 18 tình huống được đặt ra để xuyên suốt nội dung bài tập huấn về pháp luật hợp đồng. Theo ông Nguyễn Am Hiểu, những tình huống này có tính thực tiễn rất cao bởi đều xuất phát từ những trường hợp đã từng xảy ra trong thực tế kinh doanh của doanh nghiệp. Giảng kiến thức pháp luật thông qua hình thức tình huống sẽ giúp người nghe nhanh chóng lĩnh hội được vấn đề. Không chỉ thế, khi trở về làm việc trong môi trường doanh nghiệp, mô típ tình huống cũng giúp các cán bộ pháp chế dễ hình dung, nắm bắt được nhanh chóng sự việc xảy ra hơn, cũng như dễ truyền đạt các kiến thức pháp lý tới những đối tượng khác trong doanh nghiệp.
“Nạp” kiến thức pháp lý cho pháp chế doanh nghiệp - cách nào hiệu quả?
Đây cũng là vấn đề được rất nhiều cán bộ pháp chế các doanh nghiệp trao đổi với nhau trong khuôn khổ buổi tập huấn ngày 9/9. Phần lớn các cán bộ đều nhất trí với quan điểm đã “trót” mang nghiệp pháp chế thì tự mỗi người phải nắm vững kiến thức cơ bản của pháp luật đặc biệt là những quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Không chỉ thế, từng cán bộ pháp chế phải thường xuyên mở rộng, cập nhật, làm sâu sắc hơn tri thức pháp luật thông qua nhiều hình thức, để từ đó biết cách phân tích và đánh giá đúng đắn các hành vi pháp lý cũng như chuyển tải các tri thức pháp luật đến mọi người trong các bộ phận doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng không thể xem nhẹ việc tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thường xuyên với các tổ chức có liên quan mật thiết với hoạt động pháp chế DN như: CLB pháp chế doanh nghiệp, các hiệp hội, Phòng thương mại và công nghiệp VN...để thông qua các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật của các tổ chức này giúp làm rõ hơn những nội dung pháp lý, thông lệ quốc tế, tập quán quốc tế...
Theo mong muốn của những người làm công tác pháp chế doanh nghiệp, các tổ chức có liên quan mật thiết với hoạt động pháp chế cũng cần đổi mới cách thức tập huấn kiến thức pháp lý. Thay vì những điều luật khô khan, có thể vận dụng các trường hợp thực tế để xây dựng bài giảng, gợi mở sự tham gia của người nghe để cùng đúc rút kinh nghiệm. Cách làm này sẽ giúp người nghe nhớ lâu và dễ liên tưởng, vận dụng khi gặp tình huống thực hơn rất nhiều so với việc đọc luật đơn thuần.
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đóng vai trò không nhỏ trong vấn đề “nạp” kiến thức cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp. Đó là việc cho phép và cấp kinh phí để thành lập tủ sách pháp luật tại doanh nghiệp và khuyến khích các đơn vị thành viên thành lập tủ sách pháp luật để luôn sẵn sàng có đủ tài liệu tham khảo, vận dụng trong công việc. Trong quá trình hoạt động nếu có những hợp đồng dự án lớn với đối tác nước ngoài, lãnh đạo doanh nghiệp cần chủ động thuê các công ty luật nước ngoài có uy tín, thương hiệu để trực tiếp tư vấn pháp lý. Việc này vừa tránh được rủi ro đáng tiếc, vừa tạo điều kiện cho cán bộ pháp chế của doanh nghiệp mình có điều kiện học hỏi, nâng cao nhận thức pháp luật. Được như vậy, dần dần cán bộ pháp chế có đủ tự tin, năng lực để độc lập xử lý những tình huống pháp lý về sau này.
Xuân Hoa