Đại biểu Quốc hội Hà Nội góp ý dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi): nhất trí quan điểm khuyến khích Việt kiều giữ quốc tịch gốc Việt Nam

19/09/2008
Hôm qua (18/9), Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật quốc tịch Việt Nam (sửa đổi).

           Dự án Luật Quốc tịch Việt Nam (sửa đổi) không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài luôn hướng về quê hương mà còn thu hút sự chú ý của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia pháp luật trong suốt quá trình soạn thảo, trình ra Quốc hội. Báo cáo Tổng kết 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch Việt Nam 1998 của Bộ Tư pháp cho biết: thời gian qua, các việc về quốc tịch tập trung chủ yếu vào việc xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài và xin xác nhận có quốc tịch Việt Nam để làm hộ chiếu Việt Nam. Trong 9 năm qua, số người được thôi quốc tịch Việt Nam là 61.460 người, trong khi đó số người xin nhập quốc tịch Việt Nam là 674 người. Số lượng xin trở lại quốc tịch Việt Nam cũng tăng trong những năm gần đây với tổng số người được trở lại quốc tịch Việt Nam là 51 người. Trong thời gian này, số đơn yêu cầu xin cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam cũng tăng mạnh và có tới 2.232 người đã được cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam.
          Trong buổi thảo luận sáng qua tại Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đa số các ý kiến thảo luận đều nhất trí với đề xuất sửa đổi nguyên tắc một quốc tịch của Việt Nam cho mềm dẻo hơn, mở rộng thêm trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài và những người nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn được giữa quốc tịch nước ngoài. Ông Nguyễn Hồng Tuyến, Phó Chủ tịch Hội Luật gia HN cho rằng: “Đây là cách làm hợp lý, cũng là để thúc đẩy phát triển kinh tế và thương mại”. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, việc chuyển từ nguyên tắc một quốc tịch cứng sang nguyên tắc quốc tịch mềm dẻo sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến việc thực hiện và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài, nên cần cân nhắc và có các quy định cụ thể hơn, nhất là đối với những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài và định cư ở nước ngoài. Có đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc điều kiện quy định tại điểm c khoản 1: “Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam” và điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 “có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam” vì cho rằng đây là các quy định còn chung chung và khó xác định. Các đại biểu đề nghị các quy định này cần được tiêu chuẩn hóa cụ thể hơn để tạo điều kiện cho đối tượng áp dụng. Đại diện Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định tại điểm a khoản 2, điều 27: “Người xin thôi quốc tịch Việt Nam chưa được thôi quốc tịch Việt Nam nếu thuộc một trong những trường hợp sau: a) đang nợ thuế đối với nhà nước hoặc một nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoặc công dân Việt Nam”. Lý do mà đại biểu đưa ra là quy định như vậy dễ dẫn đến cách hiểu người có nợ một nghĩa vụ tài sản đối với công dân nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam thì vẫn được thôi quốc tịch Việt Nam, trong khi trên thực tế khi người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam thì quyền lợi hợp pháp của họ được pháp luật Việt Nam bảo vệ.
          Về Dự án Luật Bảo hiểm y tế, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội Hà Nội cho rằng Luật Bảo hiểm y tế rất cần thiết phải ban hành nhằm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về những vấn đề liên quan đến chính sách xã hội cũng như thể hiện chính sách ưu việt của xã hội ta ưu tiên đến những người nghèo và cận nghèo. Các đại biểu cũng cho rằng, quy định lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2014 là phù hợp vì cần có thời gian để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho người dân đối với việc tham gia bảo hiểm y tế hoặc hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng này.
          Điểm mới trong dự thảo Luật BHYT năm nay là có quy định riêng về bảo hiểm y tế cho nông dân, theo hướng hỗ trợ đến mức tối đa có thể. Thực tế nhiều năm thí điểm BHXH cho thấy nông dân là nhóm đối tượng khó triển khai BHYT nhất, mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ XH... nhưng vẫn còn hàng trục chiệu nông dân chưa có cơ hội tham gia BHYT. Ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng những người đóng bảo hiểm thường là đối tượng chính sách được nhà nước bảo trợ. Do đó, nếu như bắt họ chi trả bảo hiểm mức bảo hiểm dù chỉ là 3% hay 5% cũng là đang đi ngược lại chính sách hỗ trợ. Ông Lê Văn Điềm, Giám đốc Bệnh viện Xanh-pôn lại cho rằng, nếu giữ mức đóng bảo hiểm 3% như trước kia thì quỹ BHYT "luôn âm". Do đó, ông Điềm đề xuất mức đóng BHYT tối đa là 6% thu nhập tối thiểu của người lao động. Tất nhiên, các điều luật cần quy định làm sao hướng đến thực hiện BHYT toàn dân và không nhằm mục đích thương mại. Cũng liên quan đến việc quản lý quỹ bảo hiểm, các đại biểu đều cho rằng nguyên tắc quản lý Quỹ bảo hiểm y tế là phải tập trung, thống nhất trên cả nước để tránh xảy ra tình trạng cùng tham gia bảo hiểm y tế nhưng quyền lợi được hưởng của người có thẻ lại khác nhau giữa các địa phương.

Hồng Thúy - Báo PLVN