\Đó là nhận xét mà Đoàn kiểm tra, do Thành viên Ban Chỉ đạo TƯ thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm trưởng đoàn, ghi nhận được hôm 17/9 qua việc kiểm tra quá trình thực hiện QCDC ở cơ sở tại VKSNDTC.
Phó Viện trưởng Khuất Văn Nga - Trưởng BCĐ thực hiện QCDC của ngành KSND – cho biết, thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW (ngày 18/2/1998) của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, Viện trưởng VKSNDTC đã ban hành QCDC trong hoạt động ngành KSND, đồng thời ra quyết định thành lập BCĐ thực hiện QCDC của ngành. Mặc dù chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể QCDC nhưng trong chỉ thị công tác hàng năm của VKSNDTC đều đề cập và chỉ đạo việc thực hiện QCDC trong ngành… Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, công chức (CBCC) ngành KSND về QCDC ngày càng sâu sắc nhằm phát huy quyền làm chủ CBCC và quan trọng hơn là góp phần thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân, tăng cường đoàn kết nội bộ (thực tế 3 năm qua, đơn khiếu kiện nội bộ đã giảm rất nhiều, còn lại chủ yếu là đơn nặc danh) và tạo điều kiện cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành kiểm sát.
Với lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo lên đến 120.000 đơn/năm, nhưng VKSNDTC đã thực hiện nghiêm túc, đúng qui định pháp luật, quy chế của ngành KSND về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Điển hình là Vụ 1C (Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án ma tuý - VKSNDTC), từ 1/6/2007 – 31/5/2008 đã tiếp nhận và giải quyết được 179 đơn/ 121 việc khiếu nại và đề nghị của công dân (đạt tỷ lệ 100%).
Bên cạnh đó, công tác đánh giá, nhận xét CBCC hàng năm được tiến hành dân chủ, công khai trên cơ sở cá nhân tự đánh giá, kiểm điểm. Kết quả đánh giá nêu rõ ưu nhược điểm của từng cá nhân, làm cơ sở cho việc nhận xét, bồi dưỡng, đào tạo CBCC. Việc bổ nhiệm chức danh kiểm sát viên được thực hiện qua một qui trình bỏ phiếu tín nhiệm từ cấp đơn vị đến Đảng uỷ một cách chặt chẽ.
QCDC ở VKSNDTC không chỉ được thực hiện trong công tác tổ chức, giải quyết khiếu tố mà còn được vận dụng triệt để nhằm huy động trí tuệ tập thể đối với những công việc chuyên môn. Vụ trưởng Vụ 1C Nguyễn Hải Phong cho biết, việc đề xuất đường lối xử lý các vụ án đều thực hiện bằng hệ thống phiếu đề xuất nghiệp vụ. Thông qua đó thể hiện tính dân chủ và trách nhiệm của từng kiểm sát viên (KSV), kiểm tra viên (KTV) trong hoạt động tố tụng. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm thì lãnh đạo Vụ sẽ tổ chức hội nghị mở rộng đến toàn thể KSV, KTV trong đơn vị, thống nhất đường lối xử lý các vụ án đó trước khi tham mưu cho lãnh đạo Viện, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai. Khi giải quyết các vụ án thỉnh thị của VKSND cấp dưới, Vụ cũng họp và thảo luận dân chủ trong đơn vị trước khi đưa ra đường lối chỉ đạo.
Trong việc giải quyết bồi thường theo Nghị quyết 388, VKSNDTC đã chủ trì phối hợp với các ngành hữu quan ban hành thông tư liên tích hướng dẫn thực hiện NQ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu TAND khắc phục các vi phạm trong việc giải quyết các vụ án…
Trước những kết quả thực hiện QCDC của VKSNDTC, Trưởng đoàn kiểm tra Đinh Trung Tụng thay mặt Đoàn đã đánh giá cao những cố gắng để thực hiện tốt QCDC của VKSNDTC. Tuy nhiên, Đoàn cũng lưu ý BCĐ thực hiện QCDC của ngành KSND khắc phục một số bất cập, hạn chế trong công tác này để ngày càng phát huy thực hiện hiệu quả QCDC ở VKSNDTC và trong toàn ngành KSND./.
Hương Giang