Ai phải có trách nhiệm tuyên truyền pháp luật

31/07/2008
Tuyên truyền pháp luật là cách nói ngắn gọn, nôm na của các hoạt động phổ biến các nội dung, các quy định của pháp luật đến với mọi người. Kể từ năm 1998 đến nay, thuật ngữ tuyên truyền pháp luật được Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định thành cách gọi là phổ biến, giáo dục pháp luật.

Theo từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học xuất bản năm 1996, trang 1031 có ghi là: tuyên truyền là giải thích rộng rãi để thuyết phục mọi người tán thành, ủng hộ làm theo; còn 2 từ phổ biến tại trang 758 ghi: phổ biến có nghĩa là có tính chất chung, có thể áp dụng cho cả một hiện tượng, sự vật. Như vậy, tuyên truyền pháp luật hay phổ biến pháp luật là có những hoạt động tương ứng như nhau, có nghĩa là cũng giới thiệu, hướng dẫn, giải thích cho mọi người hiểu và làm theo các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, phổ biến pháp luật mang tính chất rộng hơn, bao quát hơn một chút. Trong phạm vi bài viết này, người viết cũng không muốn lạm bàn về thuật ngữ tuyên truyền hay phổ biến mà chủ yếu gọi như thế nào để mọi người hiểu, biết đúng được hoạt động đó là làm gì.

Trong những năm qua, công tác phổ biến pháp luật được Đảng và Nhà nước rất quan tâm lãnh chỉ đạo các ngành, các cấp phải tăng cường đẩy mạnh nhằm đưa pháp luật đến với cán bộ, nhân dân. Cụ thể, từ đầu năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 02, Quyết định số 03 ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 (gọi tắt Chương trình 02-03). Sau khi tổng kết Chương trình 02-03 và thực tiễn ngày 09/12/2003, Ban Bí thư TW Đảng có Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Tại Chỉ thị này Ban Bí thư yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp, các ngành xác định rõ: phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên; thông qua việc gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên mà thuyết phục, giáo dục quần chúng, thành viên trong gia đình ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Để làm được điều đó Chỉ thị 32 đã nêu rõ: Bộ ngành nào chủ trì dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thì bộ, ngành đó phải chịu trách nhiệm chính về việc phổ biến và thực hiện văn bản pháp luật đó trong cán bộ, công chức của ngành và phối hợp với các ngành và đoàn thể ở Trung ương và địa phương triển khai đến cán bộ và nhân dân.

Qua đó cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nhiều đến việc triển khai, phổ biến các văn bản pháp luật đến cán bộ và nhân dân. Việc phổ biến các văn bản pháp luật cũng được chỉ ra bằng nhiều hình thức thích hợp theo từng điều kiện hoàn cảnh cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị như kết hợp giữa công tác vận động với việc triển khai, phổ biến chính thức thông qua các cuộc tập huấn, hội nghị…kết hợp bằng nhiều nhiều kênh thông tin như phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài trung ương, địa phương, kể cả các trạm, loa truyền thanh cơ sở; kết hợp cả công tác hoà giải cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, công tác xét xử của Toà án, sinh hoạt lồng ghép trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các câu lạc bộ gắn với pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật hoặc với việc khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, tủ sách pháp luật của các cơ sở tín ngưỡng, nhà chùa…

Tuy nhiên, dù hoạt động phổ biến pháp luật đã được cụ thể hoá bằng nhiều văn bản pháp luật nhưng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua thực sự vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống đặt ra; bởi những nguyên nhân sau:

Một là, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhưng vẫn còn số lượng không nhỏ ngành và địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư cho công tác này nên nhiều văn bản pháp luật đã ra đời nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu được lĩnh vực này đã có văn bản pháp luật chưa, kể cả cán bộ, công chức. Nói đến công tác phổ biến pháp luật là thường y như là cán bộ nghĩ ngay đến trách nhiệm của ngành tư pháp và những nơi này gần như “khoán trắng” công tác này cho ngành tư pháp.

Hai là, công tác phổ biến pháp luật vẫn còn thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đầu tư thích hợp như: hàng năm không có dự toán phần kinh phí hoạt động phổ biến pháp luật cho cán bộ, công chức và nhân dân về các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của ngành, địa phương mình nên hầu như khi có văn bản pháp luật mới các cơ quan, đơn vị thường bị động, lúng túng. Việc trang bị công cụ, phương tiện phục vụ cho công tác phổ biến pháp luật gần như không có gì, thường khi ai quan tâm vấn đề gì thì tự tìm hiểu chứ chưa được chủ động tuyên truyền, phổ biến một cách có hệ thống bài bản, đôi khi còn chấp vá, làm theo mùa vụ… nên từ đó hiệu quả công tác phổ biến pháp luật chưa cao, chưa tương xứng với thực tiễn đặt ra.

Ba là, công tác phổ biến pháp luật là công việc khó, khô khan nhưng không có nghĩa là không làm được. Bời vì, hiện nay lực lượng báo cáo viên pháp luật của toàn tỉnh đã có 150 người, trong đó 2/3 tốt nghiệp Đại học luật, học qua chương trình đại học luật hoặc là những người đang làm công tác như thanh tra, pháp chế, nghiên cứu nội chính…còn những báo cáo viên pháp luật khác cũng đã tốt nghiệp Đại học chuyên ngành khác, đang giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị thì không thể nói là không phổ biến pháp luật được.

Bốn là, việc phổ biến pháp luật còn nhiều địa phương, đơn vị chưa vận dụng đúng quy định về các định mức chi cho công tác phổ biến pháp luật, khi tổ chức triển khai các luật, văn bản pháp quy khác một số nơi bị lúng túng không biết căn cứ vào quy định nào để chi cho đúng pháp luật. Bởi vậy, Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 5/8/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến ,giáo dục pháp luật và Quyết định số 1044/QĐ-UBND ngày 26/6/2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quy định về về quản lý và sử dụng kinh phí đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn có ngành, địa phương chưa nắm bắt được.

Công tác phổ biến pháp luật càng ngày phải đi vào chiều sâu, rộng khắp, làm sao để mọi người dân càng ngày càng thông hiểu và vận dụng đúng các quy định của pháp luật vào trong ứng xử, lao động, học tập, làm việc và kinh doanh và nhất là trong điều kiện hiện nay khi nước ta đã vào sân chơi quốc tế, vào chợ mua bán quốc tế thì mọi công dân chúng ta không những phải am hiểu luật pháp nước mình mà còn phải thông thạo luật pháp quốc tế để tự bảo vệ mình, tránh được đến mức thấp nhất những rủi ro, thiệt hại đáng lẽ ra không nên có. Muốn làm được điền này tôi thiết nghĩ: ngoài các chủ trương, chính sách của nhà nước cần phải cụ thể, rõ ràng thì nhà nước cũng nên xã hội hoá công tác phổ biến pháp luật, tạo điều kiện cho mọi người, mọi ngành, mọi nhà cùng tham gia thực hiện công việc này.

Về trước mắt các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, ban ngành cần hết sức quan tâm tổ chức phổ biến kịp thời các văn bản pháp luật của nhà nước để mọi người thông hiểu pháp luật và đặc biệt là sao cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân hiểu được trách nhiệm: Phải tự học tập, nghiên cứu tìm hiểu pháp luật vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mọi người./. 

Nguyễn Văn Tẻo