Chương trình đổi mới công tác xây dựng, ban hành và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (bằng Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 14/8/2003) trong thời điểm mà toàn Đảng và toàn dân ta đang thực hiện đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ IX, lần thứ X của Đảng. Bối cảnh đó đã đặt ra định hướng cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhằm mục đích xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vì vậy, nhiều kết quả nghiên cứu của Chương trình 909 được Bộ Tư pháp chuyển hoá hoặc thực hiện thí điểm ngay trong các hoạt động của mình.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự Hành chính Nguyễn Quốc Việt (Đề án 2) phấn khởi cho biết, các sản phẩm của Đề án là các dự thảo VBQPPL đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành như Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND (Quốc hội thông qua năm 2004), Nghị định số 91 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND (Chính phủ thông qua năm 2006), Nghị định số 161/2005/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật ban hành VBQPPL và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành VBQPPL. Đặc biệt, nhiều đề xuất khoa học của Đề án đã được Quốc hội khoá XII chấp nhận khi thông qua Luật ban hành VBQPPL mới như đơn giản hoá trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL, thu gọn các loại VBQPPL… Đại diện cơ quan thực hiện Đề án 5, bà Dương Thị Thanh Mai - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý nhấn mạnh, cơ chế thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn và nhân dân vào quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL đã được Bộ Tư pháp áp dụng thí điểm với nhiều hoạt động như xây dựng tài liệu, tổ chức tập huấn về phương pháp đánh giá dự báo tác động pháp luật – RIA (Luật Bồi thường nhà nước là dự luật đầu tiên sử dụng phương pháp RIA); phối hợp với Trung tâm Tin học của Bộ Tư pháp, Báo điện tử Vnexpress đăng tải dự thảo Luật Công chứng, Luật Luật sư, Luật Thi hành án và lập diễn đàn nhận, phản hồi ý kiến trao đổi, đóng góp của các đối tượng... Theo Chủ nhiệm Đề án 1 – Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế Dương Đăng Huệ, từ kiến nghị đổi mới của Đề án, Bộ Tư pháp đã đưa ra các yêu cầu cụ thể về hồ sơ, tài liệu và hướng dẫn chi tiết quy trình lập đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh và thí điểm trong phạm vi Bộ. Qua đó, hoàn thiện các biểu mẫu, thủ tục ban hành kèm theo dự thảo Nghị định về lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình xây dựng nghị quyết, nghị định của Chính phủ. Thay mặt Ban Chỉ đạo Chương trình 909, Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Phạm Văn Lợi nhận định, những ứng dụng thực tế này của Chương trình chính là nhờ sự linh hoạt của Ban Chủ nhiệm các Đề án trong quá trình chỉ đạo với phương châm là mục tiêu đạt được phải gắn với kết quả đầu ra.
Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình 909 gặp khá nhiều khó khăn do khối lượng công việc của Bộ ngày càng tăng, trong khi các đồng chí lãnh đạo Bộ - thành viên Ban Chỉ đạo và các Chủ nhiệm các Đề án - thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ thì chịu sức ép công việc lớn nên khó đầu tư thời gian và công sức một cách thoả đáng cho Chương trình. Các chuyên gia được mời tham gia Chương trình hầu hết đều đang đảm nhận những chức vụ nhất định trong hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, do vậy sự đóng góp của họ còn có những hạn chế. Không những thế, các hoạt động của mỗi Đề án cũng vấp phải một số cản trở nhất định. Ông Huệ cho biết, nhiều Bộ, ngành gửi công văn sang cho Vụ đề nghị đưa dự án luật, pháp lệnh vào lập dự kiến chương trình xây dựng VBQPPL dài hạn và hàng năm mà Tờ trình thậm chí chỉ vẻn vẹn một trang giấy(?!). Đại diện một số Đề án đánh giá, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự nhịp nhàng, chặt chẽ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả triển khai của từng Đề án và của cả Chương trình.
Cẩm Vân