Nông dân có thể được hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) và đến năm 2014, Việt Nam sẽ thực hiện BHYT toàn dân. Đó là hai trong nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau xung quanh Luật BHYT được Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận cuối tuần qua (25/7).
250.000 đồng là cao so với thu nhập của người nông dân
Mặc dù đã được Quốc hội dành thời gian thảo luận tại kỳ họp thứ 3, nhưng nhiều quy định tại dự án Luật BHYT vẫn chưa đạt được sự thống nhất. Ngoài những quy định về cùng chi trả khám, chữa bệnh BHYT (trong đó có đối tượng và mức hưởng BHYT), về Quỹ BHYT, Ủy ban thường vụ Quốc hội rất quan tâm tới vấn đề BHYT cho nông dân. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, trong nhiều năm thí điểm BHYT, khó khăn nhất vẫn là triển khai BHYT cho nông dân. Mặc dù ngân sách nhà nước có hỗ trợ đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, một bộ phận người cao tuổi..., song vẫn còn hàng chục triệu nông dân chưa có cơ hội tham gia BHYT. “Theo quy định của dự thảo Luật, người nông dân có mức sống trung bình trở lên chỉ có cơ hội tham gia BHYT tự nguyện với mức đóng khoảng 250.000 đ/thẻ/người/năm, đây là mức đóng khá cao so với thu nhập của họ. Do vậy, cần thiết phải có sự hỗ trợ nhất định để nông dân làm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tham gia BHYT” – Bà Trương Thị Mai nhận định. Để hỗ trợ BHYT cho nông dân, Dự thảo luật đưa ra phương án Chính phủ sẽ quy định mức hỗ trợ cụ thể phù hợp với từng giai đoạn, dự kiến là hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT cho người nông dân có mức sống trung bình. Có ý kiến cho rằng như vậy vẫn còn thấp, đề nghị Nhà nước hỗ trợ 40% cho nông dân tham gia BHYT. Cũng có ý kiến cho rằng trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn có xu hướng gia tăng. Cùng với sự thay đổi chính sách viện phí, việc ban hành Luật BHYT phải thể hiện rõ việc góp phần thu hẹp khoảng cách về chăm sóc sức khỏe giữa người dân ở nông thôn và thành thị. Vì vậy, cần quy định cụ thể việc hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT cho người nông dân có mức sống trung bình ngay trong dự thảo luật để thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người nông dân.
BHYT toàn dân: năm 2012, năm 2014 hay không cụ thể?
Về lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, có ý kiến đề nghị nên rút gọn lộ trình thực hiện đến năm 1012 thay vì năm 2014 như dự thảo Luật để bảo đảm một số đối tượng sẽ được tham gia BHYT sớm hơn cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước như học sinh, sinh viên, nông dân... Nhưng cũng có một số ý kiến đề nghị nên tính toán lại lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, không nên nôn nóng, ấn định thời gian cụ thể để đạt mục tiêu vì lo ngại khả năng ngân sách đảm bảo đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định cũng như khả năng cung ứng dịch vụ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khó có thể đáp ứng. “Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thấy rằng, nếu rút ngắn lộ trình để thực hiện BHYT toàn dân sớm hơn 2 năm so với quy định của dự thảo Luật thì điều kiện của ngân sách cũng như điều kiện của các cơ sở y tế hiện nay chưa thể đáp ứng ngay trong một thời gian ngắn cho các chính sách BHYT” – Bà Trương Thị Mai cho biết. Bên cạnh đó, cũng theo đánh giá của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc xác lập lộ trình BHYT đến năm 2014 là phù hợp với việc điều chỉnh cơ chế ngân sách nhà nước từ cấp trực tiếp cho cơ sở y tế sang hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng thông qua việc Nhà nước mua BHYT hoặc hỗ trợ mua BHYT cho các đối tượng ưu tiên. Ngoài ra, cần có thời gian để tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cho người dân hiểu và tham gia BHYT, chuẩn bị cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) của nhân dân. Việc quy định lộ trình thực hiện BHYT toàn dân sẽ định ra những mục tiêu cụ thể để bố trí ngân sách trong từng giai đoạn, triển khai các giải pháp thực hiện BHYT, mở rộng cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu CSSK nhân dân.
Về vấn đề kiểm toán Quỹ bảo hiểm y tế, có ý kiến cho rằng quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ bảo hiểm y tế định kỳ 3 năm một lần là chưa phù hợp và đề nghị quy định kiểm toán Quỹ bảo hiểm y tế phải được tổ chức thường xuyên, ít nhất 1 năm một lần. Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, Luật kiểm toán nhà nước chỉ quy định kiểm toán đối với ngân sách nhà nước, Quỹ bảo hiểm y tế không phải chỉ do ngân sách nhà nước đóng góp, mà còn có sự đóng góp của người sử dụng lao động và của người dân. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của BHYT, cần có những quy định về kiểm toán để vừa kiểm soát được việc sử dụng quỹ, vừa tạo thuận lợi cho hoạt động của tổ chức bảo hiểm y tế. Việc thực hiện kiểm toán Quỹ BHYT được thực hiện theo quy định của Luật kiểm toán nhà nước, quy định 3 năm 1 lần là phù hợp với hoạt động của Quỹ BHYT.
Theo dự kiến, dự án Luật BHYT sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.
Hồng Thúy