Chiều qua (23/7), dưới sự chủ trì và điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án Luật Cán bộ, công chức là nội dung được Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận.
Có Luật, liệu tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc có giảm?
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, do còn có nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật Cán bộ, công chức nên Uỷ ban Pháp luật đưa ra hai phương án để Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận. Phương án 1 giữ tên gọi của Luật là Luật Cán bộ, công chức với phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như quy định của dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội. Theo phương án này, dự thảo Luật sẽ phải được thiết kế theo các nhóm như sau: nhóm thứ nhất là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội; nhóm thứ hai là đội ngũ công chức trong cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội; nhóm thứ ba là đội ngũ cán bộ cấp xã. Phương án 2 giữ tên gọi của Luật là Luật Công chức, công vụ và Luật này hoặc chỉ điều chỉnh và áp dụng đối với công chức làm việc trong các cơ quan của nhà nước, của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội. Theo phương án này thì đội ngũ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này và chế độ bầu cử, tiêu chuẩn của mỗi chức danh cũng như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm được thực hiện theo quy định của điều lệ và pháp luật có liên quan. Phát biểu tại cuộc họp, đại diện của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho Chính phủ chọn phương án 1 vì phương án này phù hợp với thực tế hơn cả. Thảo luận tại cuộc họp chiều qua, đa số thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành với sự lựa chọn này.
Mặc dù cũng đồng tình với phạm vi điều chỉnh của phương án 1 nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tỏ ra rất băn khoăn. “Thời gian gần đây, rất nhiều cán bộ, công chức bỏ việc. Tại sao cán bộ, công chức lại bỏ cơ quan nhà nước đi làm việc ở nơi khác? Luật Cán bộ, công chức ra đời liệu có giải quyết được vấn đề đó không? – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt câu hỏi. Góp ý với Ban soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị: “Trong Luật nên có quy định về việc bồi dưỡng nguồn nhân tài, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức để giải quyết những bất cập đang xảy ra trong thực tiễn. Việc cán bộ, công chức có tận tâm với công việc hay không phụ thuộc rất nhiều vào thái độ chính trị của chúng ta đối với việc sử dụng cán bộ, công chức”.
Tình hình này, ngân sách không gánh nổi
Điều khiến các thành viên Uỷ ban thường vụ Quối hội quan tâm hơn cả phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật cán bộ, công chức là các quy định về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Theo quy định tại điểm g và điểm h khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật, cán bộ, công chức cấp xã bao gồm: những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo theo nhiệm kỳ là Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, người đứng đầu của tổ chức chính trị, xã hội ở cấp xã và những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch làm việc tại UBND cấp xã. Tuy nhiên, nội dung này qua các cuộc thảo luận trước đây còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành với quy định về cán bộ, công chức cấp xã như trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị mở rộng thêm đối tượng được coi là cán bộ, công chức cấp xã, cụ thể là Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ xã, Phó Chỉ huy quân sự, Phó trưởng Công an, Chánh văn phòng đảng uỷ, Chánh văn phòng UBND, cấp phó của các ban, ngành, đoàn thể. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể theo hướng thu hẹp để tránh tình trạng bộ máy cán bộ, công chức cấp xã quá cồng kềnh như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thuận cho biết, qua công tác giám sát về việc thực hiện Pháp lệnh cán bộ, công chức tại một số địa phương, Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, xu hướng “phình biên chế” cán bộ, công chức cấp xã và “hành chính hoá” đối với hoạt động các tổ chức xã hội ở cơ sở đang là tình trạng cần được quan tâm. Hiện nay, ở cấp xã có rất nhiều loại hình đối tượng được hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách Nhà nước. Tuỳ theo số dân và địa bàn, mỗi xã được định biên từ 17 đến 25 cán bộ, công chức. Nhóm đối tượng này được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và thực hiện chế độ bảo hiểm. Bên cạnh đó, còn một số chức danh không chuyên trách, được hưởng chế độ phụ cấp hoặc khoán phụ cấp hoạt động như cấp phó một số đoàn thể, tổ trưởng, phó tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, ấp, bản, Bí thư, Phó bí thư chi bộ, Công an viên, tổ hoà giải …. Đội ngũ này hiện nay rất đông, bình quân mỗi xã có khoảng 200 người. Ngoài ra, ở cơ sở còn có đội ngũ cộng tác viên thực hiện một số nhiệm vụ của một số bộ, ngành như cộng tác viên về y tế, trợ giúp pháp lý, một số địa phương có chức danh cán sự xã hội…
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc hội trăn trở: “Đội ngũ cán bộ được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp ở cấp xã đến thôn mở rộng quá, cứ theo đà này ngân sách không chịu nổi”. Cùng chung nhận định với ông Nguyễn Đức Kiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn: “Bộ máy của chúng ta hiện hành quá cồng kềnh. Những năm vừa qua Chính phủ đặt mục tiêu tinh giản biên chế nhưng kết quả là không thực hiện được. Xu thế chung là các cơ quan đều muốn nâng cao quyền lực của mình, bằng cách “phình” bộ máy ra. Nếu cứ đi theo xu thế này thì không có một ngân sách nào chịu nổi đâu”. Vậy giải quyết khó khăn này bằng cách nào, theo ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội thì cán bộ cấp xã, phường, thị trấn là những người làm việc trực tiếp cho nhân dân thì “dân phải nuôi đội ngũ này” và xây dựng chính quyền cơ sở theo hướng dân chủ, tự quản. Ông Ksor Phước đưa ra dẫn chứng nhiều địa phương đã làm rất tốt việc tự nuôi cán bộ xã, dân tự trả lương cao cho cán bộ xã từ thời chưa có Pháp lệnh cán bộ, công chức và nhà nước chưa có quy định gì về phụ cấp đối với đội ngũ cán bộ cấp xã. Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết, Chính phủ sẽ tiếp thu những ý kiến này.
Theo dự kiến, dự án Luật Cán bộ, công chức sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
La Thành