Dự án Luật Công nghệ cao: Việt Nam sẽ có “Quỹ đầu tư mạo hiểm”

30/07/2008
“Đối tượng được Quỹ đầu tư là các tổ chức, cá nhân đã ươm tạo thành công công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao” – quy định này tại dự án Luật Công nghệ cao tiếp tục được chỉnh lý và trình ra Ủy ban thường vụ Quốc hội trong buổi làm việc ngày hôm qua (29/7).

Chương trình Quốc gia:  phải quy mô và dài hạn

Tại buổi thảo luận, ý kiến của các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tập trung vào việc chỉnh sửa các quy định xung quanh chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao; công nghệ cao được ưu tiên phát triển và sản phẩm công nghệ được khuyến khích phát triển; Chương trình quốc gia về công nghệ cao; Quỹ đầu tư mạo hiểmphát triển nhân lực công nghệ cao.

Về chính sách của Nhà nước đối với công nghệ cao, các ý kiến đều cho rằng, xuất phát từ vai trò đặc biệt quan trọng cũng như tính đặc thù của hoạt động công nghệ cao, Nhà nước phải huy động mọi nguồn lực, nhất là là nguồn lực tài chính; đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh và một số cơ chế đặc biệt để phát triển công nghệ cao ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.Việc hoạch định chính sách công nghệ cao phải đáp ứng yêu cầu quán triệt các quan điểm cơ bản về phát triển công nghệ cao nêu trong các văn kiện của Đảng để làm cơ sở, định hướng cho việc xây dựng các điều, khoản của Luật cũng như việc triển khai thực hiện Luật sau khi được ban hành.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện nay, 7% sản phẩm xuất khẩu của nước ta là sản phẩm công nghệ cao, một tỷ lệ còn thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, cần có Chương trình quốc gia về công nghệ cao. Thông qua Chương trình Quốc gia, Nhà nước sẽ huy động mọi nguồn lực về tài chính, con người, đất đai... , tạo cơ chế đặc thù để tạo dựng cơ sở, điều kiện cần thiết nhằm thúc đẩy hoạt động công nghệ cao, như cơ sở hạ tầng kỹ thuật – thông tin, đào tạo nhân lực, phát triển dịch vụ phụ trợ... Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, việc đầu tư ban đầu của Nhà nước sẽ đóng vai trò dẫn dắt, thu hút nguồn đầu tư của các thành phần kinh tế khác trong và ngoài nước cho hoạt động công nghệ cao. Với nhiệm vụ, yêu cầu nêu trên, Chương trình Quốc gia về công nghệ cao phải là một chương trình có quy mô lớn và dài hạn.

“Quỹ đầu tư mạo hiểm” nhưng thực ra không mạo hiểm

Một quy định tại dự thảo Luật trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội lần này tiếp tục nhận được sự quan tâm thảo luận là quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm. Tại lần thảo luận ở  Quốc hội, kỳ họp thứ 3, ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội ý nhất trí với chủ trương cần có Quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước để hỗ trợ cho hoạt động công nghệ cao, tuy nhiên, các đại biểu đồng thời đề nghị Luật quy định rõ hơn mục đích, tổ chức quản lý nguồn tài chính của quỹ cũng như phương thức hoạt động của quỹ này. Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, nội dung đầu tư mạo hiểm trong dự thảo Luật mới đã quy định thành 2 Điều, thay vì một Điều ở dự thảo Luật cũ. Điều 21 quy định khái niệm đầu tư mạo hiểm, chính sách khuyến khích, biện pháp ưu đãi đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm.  Điều 22 quy định về quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao. Theo đó, “Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao (gọi tắt là Quỹ) là quỹ tài chính nhà nước có chức năng đầu tư vốn, cung cấp dịch vụ tư vấn cần thiết cho tổ chức, cá nhân nhằm ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao”. Nguồn tài chính hình thành Quỹ bao gồm:Vốn điều lệ của Quỹ được hình thành từ nguồn vốn Nhà nước và được bổ sung trong quá trình hoạt động; Các khoản tài trợ, hợp tác, liên doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tổ chức quốc tế; Các khoản thu từ hoạt động của Quỹ và các khoản vốn huy động khác. Đặc biệt, Điều 22 quy định rõ: “Đối tượng được Quỹ đầu tư là các tổ chức, cá nhân đã ươm tạo thành công công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao; các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ cao”.

Phát biểu tại buổi làm việc hôm qua và cũng là phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho biết, phiên họp thứ 11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ ngày 20 - 29/8. Tại phiên họp thứ 11, Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về một số dự án luật, pháp lệnh và tập trung vào công tác giám sát như nghe Chính phủ trình bày báo cáo về việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đất đai và cổ phiếu, chứng khoán. Đáng chú ý, tại phiên họp thứ 11 sẽ có các buổi chất vấn và trả lời chất vấn.

Hồng Thuý

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: sau khi Luật Khoa học và Công nghệ (năm 2000) có hiệu lực, việc chi không dưới 2% ngân sách hằng năm cho hoạt động KHCN đã góp phần tăng đáng kể nguồn lực tài chính so với giai đoạn trước đó. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cũng như so với nhiều nước trên thế giới thì tỷ lệ phần trăm chi ngân sách cũng như giá trị tuyệt đối của nguồn tài chính này vẫn còn quá thấp.