Chiều qua (28/7), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tập trung thảo luận về một số nội dung lớn của dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS). Có quy định ngay vào trong Luật việc xã hội hoá (XHH) công tác thi hành án dân sự hay không tiếp tục là đề tài được nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thảo luận.
XHH: Quy định nguyên tắc thực hiện trong Nghị quyết
Thường trực Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, xã hội hoá hoạt động THADS là vấn đề hoàn toàn mới, Nghị quyết số 49-NQ/TW đã xác định phải làm thí điểm, sau đó tổng kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm rồi mới bổ sung vào Luật. Cho đến nay, việc tổ chức thí điểm chưa được triển khai, nên chưa có cơ sở thực tiễn để đánh giá và áp dụng. Vì vậy, thường trực Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị không quy định về xã hội hoá hoạt động THADS trong dự thảo Luật. “Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện thí điểm xã hội hoá hoạt động THADS (chế định Thừa phát lại) theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì cần quy định một số nguyên tắc trong Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật THADS và giao cho Chính phủ căn cứ tình hình cụ thể để quy định việc thực hiện thí điểm tại một số địa phương” – Bà Lê Thị Thu Ba, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định. Về phía Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: “Thời gian gần đây, các phòng công chứng tư đã đi vào hoạt động và dự báo sẽ rất hiệu quả. Tiến hành xã hội hoá trong lĩnh vực thi hành án dân sự cũng sẽ áp dụng mô hình như vậy”.
Quy định cụ thể tổ chức THADS ngay trong Luật
Về tổ chức thi hành án dân sự, tại kỳ họp Quốc hội thứ 3, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng cần quy định về tổ chức thi hành án dân sự trong dự thảo Luật. Một số ý kiến khác đề nghị dự thảo Luật không nên quy định về vấn đề này mà để Nghị định của Chính phủ quy định. Tại phiên họp chiều qua, bà Lê Thị Thu Ba cho biết: “Thường trực Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của dự án Luật là phải xác định rõ cơ chế quản lý và mô hình tổ chức THADS. Việc quy định cụ thể về tổ chức thi hành án dân sự trong dự thảo Luật là cần thiết, xuất phát từ tính chất, đặc điểm của hoạt động THADS là hoạt động tư pháp, việc thực thi nhiệm vụ THADS phải tuân thủ trình tự, thủ tục rất chặt chẽ do Luật định”. Cũng theo tính chất, đặc điểm của công tác THADS, thẩm quyền thực hiện trình tự, thủ tục đó phải gắn liền với nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp trong hệ thống tổ chức THADS và các chức danh cụ thể như Chấp hành viên, Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan THADS. Để xác định được chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan và từng chức danh thì phải quy định cụ thể về mô hình tổ chức THADS trong dự thảo Luật. Hơn nữa, việc quy định về tổ chức THADS trong dự thảo Luật cũng bảo đảm sự thống nhất với quy định tại các Luật về tổ chức cơ quan tư pháp khác như Luật tổ chức Viện kiểm sát, Luật tổ chức Toà án, đồng thời cũng tương tự như mô hình tổ chức Thanh tra, Hải quan... đều được Luật quy định. Do vậy, dự thảo Luật trình ra Uỷ ban thường vụ Quốc hội lần này dự kiến chỉnh lý theo hướng: quy định hệ thống tổ chức THADS; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan THADS, Thủ trưởng cơ quan THADS và Chấp hành viên.
Mô hình tổ chức: hệ thống dọc
Về mô hình tổ chức THADS, đa số ý kiến thảo luận trước và trong phiên họp chiều qua đều đề nghị tổ chức cơ quan THADS theo hệ thống dọc: Bộ Tư pháp quản lý thống nhất và tổ chức thực hiện việc THADS trong phạm vi cả nước, hệ thống cơ quan THADS có hai cấp (tỉnh và huyện) với tên gọi phù hợp, đồng thời để bảo đảm cơ chế quản lý tập trung thống nhất nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay thì cần thành lập Tổng cục THADS tại Bộ Tư pháp để thực hiện chức năng quản lý THADS. Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhận định, việc Bộ Tư pháp quản lý thống nhất tổ chức và nghiệp vụ THADS sẽ giúp cho việc hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật được thống nhất trong phạm vi cả nước; bảo đảm công tác quản lý, sử dụng, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chế độ chính sách đối với Chấp hành viên, cán bộ làm công tác THADS được hiệu quả. Đồng thời, mô hình này phù hợp với tính chất, đặc thù của hoạt động THADS, bảo đảm tính độc lập tương đối và chịu trách nhiệm trước pháp luật của cơ quan THADS và Chấp hành viên. Đồng thời, mô hình này vẫn bảo đảm được vai trò của UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc chỉ đạo công tác THADS, nhất là khi tổ chức thi hành các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị trật tự - an toàn xã hội ở địa phương. Hơn nữa, mô hình này tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các cơ quan tư pháp, theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là “chuẩn bị điều kiện về cán bộ, cơ sở vật chất để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành án”.
Ngoài những nội dung lớn trên, chiều qua, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng thảo luận về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục THADS, về ngạch và tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên, về thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm, về giải quyết khiếu nại, tố cáo v.v…Theo dự kiến, dự án Luật Thi hành án dân sự sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới.
Hồng Thuý