Nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý ở Việt Nam

27/06/2008
Qua thực tế nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng mô hình luật sư nhà nước (hay còn gọi là luật sư công), nhiều nước nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả, thể hiện nhiều ưu điểm so với mô hình luật sư chỉ định cũng như luật sư tư thực hiện TGPL. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác TGPL, Việt Nam cần tính đến việc xây dựng đội ngũ luật sư công, nhất là trong điều kiện số lượng luật sư của nước ta còn hạn chế.

Những lợi ích thiết thực

Điểm nổi bật đầu tiên của mô hình luật sư công chính là tiết kiệm chi phí cho nhà nước. Luật sư công được tuyển dụng vào tổ chức TGPL và là công chức nhà nước, được trả lương cố định hàng tháng, hưởng các chế độ của một công chức như bảo hiểm, phụ cấp, nghỉ phép, được đào tạo, bồi dưỡng… và chịu sự điều chỉnh của các quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhất định. Chi phí mà nhà nước đầu tư để duy trì và phát triển đội ngũ luật sư công là tương đối ổn định, bản thân các luật sư công không tự ý nâng chi phí lên. Những vụ việc có luật sư chỉ định thì thông thường, những luật sư tư này được trả thù lao theo tính chất công việc, theo thời gian làm việc… và họ phải có nghĩa vụ thu thập chữ ký xác nhận thời gian làm việc từ những người có thẩm quyền gồm thẩm phán, điều tra viên, người quản lý trại giam… và các công việc trên nhiều khi không thật chính xác. Có nhiều trường hợp, nhờ các mối quan hệ với những người có thẩm quyền, các luật sư đã lấy được nhiều chữ ký xác nhận về thời gian và công việc mà thực tế họ không thực hiện và nhà nước vẫn phải trả tiền cho những công việc không có thật. Cứ như thế, chi phí ngày càng cao lên còn TGPL không đạt được hiệu quả mong muốn. Ngoài ra, trong hệ thống bào chữa tư (luật sư chỉ định), có một loại chi phí ẩn tồn tại là chi phí cho việc thẩm định tính xác thực của các chứng từ do luật sư đưa ra. Chẳng hạn ở Litva, Chính phủ phải trả kinh phí cho việc xác nhận của các thẩm phán, công tố viên và điều tra viên về thời gian các luật sư sử dụng để thực hiện các hành vi tố tụng, thu thập các chữ ký và con dấu cũng như trả lương cho các cán bộ nhà nước để họ xử lý các chứng từ đề nghị thanh toán của các luật sư. Với mô hình luật sư công, nhà nước không phải trả chi phí cho những công việc hành chính đó.

Tạo ra môi trường cạnh tranh giữa luật sư công và luật sư tư là ưu điểm tiếp theo của mô hình luật sư nhà nước. Khi xã hội tồn tại song song 2 hệ thống cung cấp dịch vụ pháp lý công và tư khác nhau, tất nhiên sẽ xuất hiện sự cạnh tranh. Mỗi hệ thống phải luôn nỗ lực cải cách để thể hiện những thế mạnh của mình và vì vậy, những người không phải là đối tượng TGPL miễn phí của nhà nước cũng sẽ được hưởng lợi từ việc luật sư tư nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Về phía luật sư công, được tuyển dụng làm công chức nhà nước, hưởng lương và các chế độ phúc lợi của nhà nước, họ vừa chịu sự điều chỉnh của pháp luật về cán bộ công chức, chịu trách nhiệm đối với chất lượng trợ giúp của mình vừa phải tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp của nghề luật sư. Do đó, họ sẽ có ý thức hơn về trách nhiệm công việc và luôn cố gắng trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực nghiệp vụ để có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Việt Nam có thể học tập mô hình nào?

Xuất phát từ điều kiện kinh tế – xã hội của các nước khác nhau mà hiện nay, trên thế giới đang tồn tại 3 mô hình TGPL chủ yếu: mô hình từ thiện, mô hình luật sư TGPL được trả lương từ ngân sách nhà nước và mô hình hỗn hợp. Mỗi nước có mô hình tổ chức, chức danh người thực hiện TGPL khác nhau và các chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh cũng không giống nhau. Tuy nhiên, điều tương đồng dễ nhận thấy là đội ngũ luật sư nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ TGPL. Thậm chí, ở một số nước, văn phòng luật sư nhà nước còn góp phần cải cách hệ thống tư pháp.

Tại Philippine, người thực hiện TGPL bao gồm luật sư nhà nước, luật sư tư. Luật sư nhà nước hoạt động trong Tổng cục luật sư nhà nước. Ở TƯ, Tổng cục có 5 Ban, còn cấp cơ sở có 16 Văn phòng khu vực và 258 Văn phòng cấp huyện. Đặc biệt, luật sư nhà nước thường trực ở Bộ Đất đai, chuyên giải quyết vấn đề đất đai cho người nghèo và thổ dân. Với hơn 900 người, luật sư nhà nước có chức năng đại diện, bào chữa miễn phí cho người nghèo, thổ dân hoặc những thành viên thân thích trong gia đình trong các vụ án hình sự, dân sự, hành chính mà sau khi điều tra xét thấy cần bảo đảm công lý.

Từ năm 1998, Chính phủ Anh đã thành lập một đội ngũ luật sư nhà nước thực hiện các hoạt động bào chữa hình sự. Theo quy định của Luật tiếp cận công lý năm 1999, một Uỷ ban dịch vụ pháp lý đã được thành lập. Uỷ ban này trực tiếp tuyển dụng người làm luật sư để cung cấp dịch vụ TGPL và trả lương cho họ.

Theo Luật về luật sư nhà nước năm 1995 của Israel, Bộ trưởng Bộ Tư pháp thành lập Văn phòng Luật sư nhà nước cấp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp và Văn phòng luật sư nhà nước cấp huyện. Luật sư nhà nước do Hội đồng Luật sư nhà nước chỉ định, là thành viên của Đoàn luật sư, có kinh nghiệm làm luật sư bào chữa và có thời gian công tác pháp luật ít nhất 10 năm (cấp quốc gia) hoặc 6 năm (cấp huyện). Các Văn phòng Luật sư nhà nước đều có danh sách luật sư tư làm việc theo hợp đồng để hỗ trợ việc đại diện, bào chữa.

Trước năm 2003, hoạt động TGPL ở Nhật Bản được giao cho Hiệp hội luật sư nhưng mục đích của TGPL không đạt được. Luật sư tư cung cấp dịch vụ cho những người thuộc diện TGPL không thực sự hiệu quả. Vì vậy, kể từ năm 2003, Chính phủ đã ra quyết định giao nhiệm vụ TGPL cho tổ chức TGPL của nhà nước và tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 500 luật sư và trả lương cho họ để thực hiện TGPL.

Cẩm Vân

Mô hình luật sư công còn có một số lợi thế khác như tiết kiệm nguồn nhân lực đối với công tác quản lý luật sư; tăng tính chủ động, kịp thời cho việc thực hiện chức năng TGPL của nhà nước trong tư vấn, bào chữa, đại diện và giúp đỡ pháp luật cho đối tượng TGPL; tăng tính giám sát đối với hoạt động tư pháp thông qua sự tham gia các quy trình tố tụng của luật sư công một mặt giúp người nghèo, mặt khác giúp khắc phục sự lạm quyền, cố ý làm trái, gây oan sai trong hoạt động tư pháp…