“Tòa tuyên án” – Hiệu quả nhiều mặt

27/06/2008
Với mục đích thông qua kênh truyền hình để phổ biến kiến thức và tăng cường năng lực pháp luật cho thanh thiếu niên, Trung tâm thanh thiếu niên Đài truyền hình Việt Nam (VTV6) đã phối hợp với Học viện Tư pháp sản xuất chương trình truyền hình Tòa tuyên án.
Sự phối hợp này đảm bảo được tính chuyên nghiệp trong từng công đoạn của quá trình sản xuất chương trình: Học viện Tư pháp đảm trách phần xây dựng hồ sơ vụ án, vụ việc; chuẩn bị kịch bản pháp lý; tổ chức nhân lực của Hội đồng xét xử... đảm bảo tính quy chuẩn về pháp lý; VTV6 tổ chức ghi hình, biên tập hậu kỳ, hoàn thiện chương trình.... Sự phối hợp chặt chẽ đó nhằm xây dựng được một chương trình truyền hình đảm bảo mục đích đã đề ra.
Qua hơn 6 tháng hợp tác, Học viện Tư pháp và VTV6 của Đài truyền hình Việt Nam đã phối hợp tương đối ăn ý. Tính đến ngày 21/06/2008, chương trình Tòa tuyên án đã phát sóng được 17 số. Chương trình được phát sóng đồng thời trên VTV3 và VTV6 vào 22h tối thứ 7 hàng tuần và phát lại trên VTV6 vào 15h30 thứ 2 và 20h thứ 4 tuần kế tiếp. Sau mỗi số được phát sóng, những người tham gia làm chương trình phía Học viện Tư pháp cũng như phía VTV6 đều nhận được phản hồi tích cực của khán giả xem truyền hình. Sự quan tâm, hưởng ứng của dư luận xã hội đối với chương trình Tòa tuyên án đã khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của kênh thông tin này.
Để có được nội dung phong phú và hiệu quả như vậy cho 45 phút phát sóng của chương trình, nhóm tham gia làm chương trình phía Học viện Tư pháp đã phải nghiên cứu, lựa chọn những vụ án, vụ việc điển hình trong rất nhiều hồ sơ vụ án được sử dụng làm giáo trình giảng dạy tại Học viện Tư pháp. Mỗi vụ án được sử dụng làm kịch bản phải đạt được mục đích giúp khán giả xem chương trình nhận thức đầy đủ hơn về pháp luật, từ đó có thể thay đổi hành vi theo hướng tích cực.
Việc tổ chức một phiên tòa giả định là một hoạt động quen thuộc trong chương trình đào tạo tại Học viện Tư pháp. Đó là lợi thế đối với phần việc mà Học viện Tư pháp đảm trách nên khi tham gia thể hiện các chức danh tư pháp trong phiên tòa của chương trình Tòa tuyên án, các giảng viên và học viên Học viện Tư pháp có cơ hội để thực hành kiến thức  và các kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác, tham gia làm chương trình truyền hình cũng giúp các giảng viên và học viên tự tin, sáng tạo hơn khi trở lại giảng đường. Các “diễn viên” của Học viện Tư pháp thể hiện các chức danh tư pháp trong phiên tòa của Tòa tuyên án đúng với nghề nghiệp thật của mình đã tạo cho người xem cảm xúc thực sự theo từng diễn biến trong phiên tòa tại Tòa tuyên án.
Nhằm củng cố, duy trì và nâng cao hiệu quả của chương trình theo yêu cầu đã được đặt ra về nghiệp vụ pháp lý và về trách nhiệm hợp tác của Học viện Tư pháp, nhóm tham gia chương trình phía Học viện đã tổ chức họp rút kinh nghiệm vào đầu tháng 6/2008. Tất cả những người tham gia làm chương trình đã dự họp với tinh thần xây dựng thẳng thắn. Những vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện sản xuất chương trình được đưa ra bàn bạc để tìm hướng khắc phục. Theo đó, Học viện Tư pháp lập một kế hoạch chu đáo đề cập đến các lĩnh vực liên quan đến sự hợp tác sản xuất chương trình.Về kịch bản, phải xây dựng các kịch bản thể hiện được tính thời sự, đúng pháp luật, ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng chính là thanh thiếu niên (Đài truyền hình Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới ĐTHVN sẽ cùng tham gia đưa ra các chủ đề, vụ việc để đặt hàng Học viện Tư pháp chuẩn bị kịch bản pháp lý hoàn chỉnh). Giám đốc Học viện Tư pháp, PGS.TS. Phan Hữu Thư khẳng định, nội dung kịch bản là vấn đề quan trọng, mang tính quyết định cho một chương trình đạt hiệu quả. Giám đốc cũng nêu ý tưởng phát động một cuộc thi viết kịch bản pháp lý phục vụ cho chương trình Tòa tuyên án trong phạm vi Học viện Tư pháp. Những tác giả tham dự cuộc thi này sẽ có dịp thực hành kiến thức của mình qua những trang kịch bản mang tính nghiệp vụ pháp lý cao và Học viện Tư pháp cũng có thêm nguồn lựa chọn để có những kịch bản hay phục vụ cho chương trình, giúp chương trình ngày càng thu hút khán giả xem truyền hình.
Thanh Hương - Học viện Tư pháp