Tham nhũng: Doanh nghiệp có hay không?

27/06/2008
Tham nhũng là một trong những vấn nạn quốc gia, mặc dù Nhà nước đã dùng nhiều biện pháp phòng, chống và hạn chế tình trạng này nhưng nó như là một thảm hoạ nấp dưới nhiều chiêu thức để đục khoét ngân sách.

Bản chất của tham nhũng là sự kết hợp giữa hai yếu tố: Quyền lực nhà nước và tư lợi. Điều 1 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Theo đó, hành vi tham nhũng gồm có 3 yếu tố cơ bản là: yếu tố chức vụ, quyền hạn, yếu tố lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó và yếu tố vụ lợi. Tác hại của hành vi tham nhũng rất lớn, nó xâm hại trực tiếp đến tài sản của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ảnh hưởng tới đạo đức cách mạng, văn hoá công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước. Hơn nữa, lợi dụng vấn đề "tham nhũng" liên quan đến một bộ phận cán bộ thoái hoá, biến chất, họ tuyên truyền xuyên tạc, gây nghi ngờ và gieo rắc tâm lý bất mãn, từ đó kích động gây rối an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội nhằm chống phá chính quyền. Do đó, làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí không chỉ góp phần làm trong sạch xã hội, làm lành mạnh nền kinh tế, bảo vệ tài sản của Nhà nước và của nhân dân, mà còn vô hiệu hoá được âm mưu của các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề "tham nhũng" chống Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, Quốc nạn đó trách nhiệm phòng chống không chỉ của Đảng, của Nhà nước, không của riêng đơn vị, cá nhân nào mà trách nhiệm thuộc về mọi cá nhân tổ chức trong xã hội về việc phát hiện, phòng, chống tham nhũng. Trong đó thành phần doanh nghiệp là một trong những thành phần nhạy cảm và không ít liên quan đến vấn đề tham nhũng, ngay trong các báo cáo đầu tiên (năm 2006) của các cơ quan bảo vệ pháp luật về việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng thì có tới 13/14 vụ tham nhũng lớn nhất bị phát hiện, xử lý có liên quan đến doanh nghiệp.

Cơ sở pháp lý cụ thể tại  Điều 87 Luật phòng, chống tham nhũng quy định: Vai trò và trách nhiệm của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề:

1. Doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo về hành vi tham nhũng và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc xác minh, kết luận về hành vi tham nhũng.

2. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm tổ chức, động viên, khuyến khích hội viên của mình xây dựng văn hoá kinh doanh lành mạnh, phi tham nhũng.

3. Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và hội viên có trách nhiệm kiến nghị với Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý nhằm phòng, chống tham nhũng.

4. Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham ô, đưa hối lộ.

5. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có trách nhiệm phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các tổ chức khác tổ chức diễn đàn để trao đổi, cung cấp thông tin, phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Và Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 47/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, trong đó có vai trò của doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp.

Đã có quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong công tác phòng chống tham nhũng, tuy nhiên khi nhắc đến pháp luật phòng, chống tham nhũng thì hầu hết các doanh nghiệp đề có về thờ ơ, nghi hoặc vì mình không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật này, có chăng chỉ những doanh nghiệp Nhà nước hoặc có vốn của Nhà nước, đó là cách nghĩ rất chủ quan và phiến diện từ phía doanh nghiệp. Chúng ta biết rằng Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định 12 hành vi tham nhũng cụ thể là:

1. Tham ô tài sản.

2. Nhận hối lộ.

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Như vậy, với cách tiếp cận trên thì vấn đề phòng, chống tham nhũng hiện nay chỉ đặt ra đối với khu vực công, tức là có liên quan đến những cán bộ nhà nước, những hoạt động và tài sản của Nhà nước. Còn vấn đề phòng, chống tham nhũng trong khu vực tư chưa được đề cập đến.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu công tác phòng, chống tham nhũng có thể khái quát các dạng tham nhũng có khả năng xảy ra và liên quan đến doanh nghiệp theo những dạng sau:

Thứ nhất, tham nhũng phát sinh trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, tham nhũng phát sinh khi có sự câu kết giữa các doanh nghiệp với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước.

Thứ ba, tham nhũng phát sinh trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong những chương trình, dự án...

Thứ tư, tham nhũng phát sinh trong quá trình doanh nghiệp tham gia thực hiện công việc liên quan đến Nhà nước

Thứ năm, tham nhũng phát sinh trong bản thân hoạt động của doanh nghiệp như: khai man lượng hàng xuất nhập khẩu, gian dối trong việc thực hiện các dự án đầu tư, thông đồng với nhau giữa chủ đầu tư, nhà thầu lập dự toán...

Như vậy, không chỉ có doanh nghiệp có vốn nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước mới có hành vi tham nhũng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể bị phát hiện  có dính dáng đến tham nhũng.

Thiết mong các doanh nghiệp bỏ qua tư tưởng chủ quan để nhận thức trách nhiệm vai trò của mình một cách đầy đủ và hệ thống, ý thức được lĩnh vực hoạt động kinh doanh và tránh những rủi ro pháp lý không cần thiết gây thiệt hại cho doanh nghiệp mình.

Huyền Thương - Câu lạc bộ PCDN

Vừa qua, Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề cho thành viên Câu lạc bộ và các doanh nghiệp quan tâm với chủ đề: "Luật phòng chống tham nhũng và việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp". Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Thanh tra Chính phủ, Cục phòng chống tham nhũng - Thanh tra chính phủ, Viện khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương và đại diện hơn 100 doanh nghiệp tham gia.