Hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm sau hơn 5 năm chính thức đi vào hoạt động đã thực sự trở thành một hoạt động quan trọng và có ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển kinh tế nói chung. Ý nghĩa và những lợi ích mà hoạt động này mang lại đã và đang được các tổ chức, cá nhân nhìn nhận.
Đăng ký giao dịch bảo đảm là một thiết chế phát triển khá sớm ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tại Việt Nam, chỉ khi Nghị định 08/2000/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm được ban hành thì mới thực sự tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản nói riêng và các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm nói chung. Trong một khoảng thời gian không phải là dài, các tổ chức, cá nhân đã nhận thức được lợi ích của việc đăng ký giao dịch bảo đảm nên đã chủ động và tích cực trong thực hiện việc đăng ký.
Việc đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm đem lại những lợi ích cơ bản như sau:
- Giao dịch bảo đảm được đăng ký có hiệu lực pháp lý đối kháng với bên thứ ba kể từ thời điểm đăng ký và là căn cứ để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán trong trường hợp xử lý tài sản bảo đảm để thanh toán nghĩa vụ. Nghĩa là kể từ thời điểm đó, chủ nợ có bảo đảm sẽ có quyền lợi được pháp luật bảo vệ nhằm đối kháng với các chủ nợ khác có liên quan đến tài sản bảo đảm. Chủ thể nào đăng ký trước sẽ được ưu tiên thanh toán nợ trước khi xử lý tài sản bảo đảm. Thứ tự ưu tiên thanh toán được căn cứ vào thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm (đối với trường hợp một tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ). Do vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, bên nhận bảo đảm (thường là các tổ chức tín dụng) cần đăng ký các giao dịch đó càng sớm càng tốt, đặc biệt là trước khi giải ngân vốn cho bên vay.
- Công khai hóa các giao dịch bảo đảm cho mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm hiểu, qua đó giúp họ có thông tin chính xác, tin cậy trước khi quyết định xác lập các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Đăng ký giao dịch bảo đảm có giá trị đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm đăng ký, do đó, việc tìm hiểu thông tin trước khi quyết định xác lập giao dịch sẽ giúp cho người thứ ba tránh được các rủi ro. Kết quả tìm hiểu thông tin về tài sản mà họ dự định mua hoặc dự kiến nhận bảo đảm sẽ giúp họ đưa ra quyết định phù hợp và có lợi cho mình nhất. Cơ chế tìm hiểu thông tin sẽ như một biện pháp phòng ngừa rủi ro để tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền và lợi ích của mình, tránh trường hợp bị lừa hoặc bị nhầm lẫn mà mua, nhận bảo đảm bằng tài sản đã được sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, tài sản bị hạn chế quyền sở hữu hoặc không thuộc quyền sở hữu của người bán.
Ngọc Phượng - Cục Đăng ký