Gia nhập WTO: Cơ hội ... nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc!

27/06/2008
Ngày 11 tháng 01 năm 2007 được coi là cái mốc quan trọng của nước ta nói chung, của nền kinh tế nói riêng với sự kiện diễn ra tại Trụ sở của Tổ chức Thương mại thế giới, nghi lễ trang trọng kết nạp Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức này. Phát biểu với đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng khẳng định "đây là sự kiện đánh dấu việc Việt Nam tham gia sâu rộng và toàn diện vào hệ thống thương mại toàn cầu" - Việt Nam thực sự bước vào ngôi nhà chung của nền kinh tế thế giới, liệu con tàu kinh tế Việt Nam có chống chọi được với sóng gió của Đại dương?

Với phương châm phát huy tối đa nội lực và chủ động hội nhập quốc tế, nước ta đã không ngừng cố gắng để cải thiện về mọi mặt, trên bình diện các con số thống kê, lẫn bình diện nhận diện lại chính mình. Điều này được thể hiện ở mối quan hệ tương tác giữa cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh với tiến trình hội nhập, gia nhập WTO đã trở nên chặt chẽ hơn; vị thế trên trường quốc tế của Việt Nam năm 2007 được nâng cao đáng kể, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2007 đạt 8,5%, và đứng thứ ba trong khu vực về tổng số vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng kể trên thì những mặt tồn tại, yếu kém còn thể hiện rõ rệt, đặc biệt là môi trường kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp chưa hài lòng với môi trường pháp lý và chính sách hiện tại. Và sự tồn tại này ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài, đó chính là hệ luỵ của một số hạn chế xuất phát từ phía cơ chế cũng như vấn đề nhận thức.

Trước hết, phải khẳng định rằng hệ thống pháp luật nước ta còn nhiều chồng chéo, bất cập và lạc hậu so với sự phát triển của xã hội, chưa thực sự đi sâu vào cuộc sống. Qua công tác kiểm tra của Chính phủ từ 11-2003 đến tháng 5-2005 cũng cho thấy, trong số 3.632 văn bản được kiểm tra, bước đầu đã phát hiện trên 400 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Trong đó, văn bản có nội dung trái với văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, sai thẩm quyền cần huỷ bỏ, bãi bỏ chiếm khoảng 4% - 5%; không đảm bảo về căn cứ pháp lý trên 20%; sai về tên cơ quan ban hành, sai số, ký hiệu văn bản chiếm trên 15%; sai về thể thức và kỹ thuật trình bày chiếm 50%... Chính sự thay đổi bổ sung thường xuyên của hệ thống pháp luật khiến doanh nghiệp không nắm bắt cập nhật kịp thời và không thể thích ứng ngay làm cho hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Điển hình vừa qua, một số quy định về thuế thay đổi khiến nhiều doanh nghiệp phải điêu đứng trước sự thay đổi quá chóng vánh... Trước thực trạng đó, thiết nghĩ để cải thiện môi trường đầu tư, nước ta cần xây dựng nền tảng pháp luật kinh doanh và cơ chế thực hiện cơ bản cho nền kinh tế thị trường, đồng thời thiết lập hệ thống chính sách phát triển kinh tế phù hợp và thích nghi trong điều kiện hội nhập, tăng khả năng cạnh tranh lành mạnh. Một hành lang an toàn về pháp lý, môi trường thân thiện và cơ chế chính sách đồng bộ là thực sự cần thiết để phát huy tối đa nguồn lực kinh doanh trong nước và tận dụng tối đa đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, thủ tục hành chính của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện đáng kể như tinh gọn với cơ chế một cửa, với cơ chế công khai minh bạch.... nhưng một cửa lại phải dùng nhiều chìa, công khai minh bạch nhưng vẫn còn nhiều mảng tối...

 Hiện nay, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn bị nhiều ảnh hưởng bởi các thủ tục hành chính như quá rườm rà phức tạp như: thủ tục trong cấp phép kinh doanh mất nhanh nhất cũng phải hơn 1 tháng rưỡi (cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mất 15 ngày, thủ tục khắc dấu mất 14 ngày, thủ tục đăng ký cấp mã số thuế và mua hoá đơn mất 15 ngày, bên cạnh đó chi phí cũng khá tốn kém, trong khi đó ở cũng thành lập doanh nghiệp ở Úc chỉ mất 02 ngày, ở Canada 03 ngày... Bên cạnh đó, do sự thiếu hiểu biết của doanh nghiệp về kiến thức pháp luật nên bị hành lên hành xuống chỉ vì sai một dấu phẩy, dấu chấm câu là có thể mất mấy ngày đi lại để sửa. Thủ tục còn bị bóp méo bằng những thủ tục lấy nhanh, lấy gấp theo đề nghị của người đi đăng ký nhờ những mối quan hệ... Chính vì vậy, doanh nghiệp lại phải qua trung gian là các Công ty, Văn phòng, Luật sư... tư vấn pháp luật và dĩ nhiên là tốn kém về chi phí tiền bạc.

Mặt khác, những hành vi can thiệp hành chính thái quá và tuỳ tiện của một số cơ quan vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp, chưa coi việc quản lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển là trách nhiệm, là mục đích của cơ quan mình. Luôn có tư tưởng là cấp trên quản lý dẫn đến tình trạng cửa quyền, quan liêu và cơ chế xin cho hay thậm chí là ban ơn đối với người bị quản lý thông qua cách này hay cách khác mà đặc biệt là bằng các văn bản do mình ban hành.

Một vấn nạn nữa là xuất phát từ bộ phận cán bộ thoái hoá biến chất, năng lực yếu kém nhưng lại hách dịch và nhũng nhiễu doanh nghiệp, luôn tìm cách kèn cựa, bóp chắt doanh nghiệp. Họ đã thực sự quên đi vai trò công bộc của mình, họ không ý thức được rằng doanh nghiệp là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận kinh tế, góp phần đổi mới đất nước, chéo chống nền kinh tế đất nước đi lên. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp gặp phải một tình trạng chung trong thời kỳ cơn sốt đất đó là sự thay đổi trong công tác quy hoạch sử dụng đất đến chóng mặt khiến doanh nghiệp có thể bị mất quyền sử dụng đất, bên cạnh đó nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã lợi dụng "đục nước béo cò" để trục lợi. Điển hình thời gian vừa qua là vụ việc của một thành viên của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp đã nhờ Trung tâm thông tin tư vấn và Bồi dưỡng nghiệp vụ của Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp (Trung tâm) bảo vệ quyền và lợi ích của thành viên trong vụ việc bị thu hồi quyền sử dụng đất. Đó là vụ việc điển hình trong việc dùng 1,8 tỷ đồng trong dịch vụ thuê chạy đất và Trung tâm trên cơ sở pháp luật đã tìm lại công bằng cho doanh nghiệp thành viên của mình.

Một nguyên nhân nữa xuất phát từ nhận thức của doanh nghiệp. Hiện nay với hơn 300.000 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động theo luật doanh nghiệp, nhưng số doanh nghiệp quan tâm và chú trọng đến vấn đề pháp chế thì chỉ đếm trên đầu ngón tay, đây là thực trạng đáng buồn và là nguyên nhân chủ yếu trong vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp. Sự nhận thức này cần phải thay đổi một cách triệt để, có như vậy thi doanh nghiệp Việt Nam mới có cơ hội vươn ra trường quốc tế. Theo kinh nghiệm làm việc với doanh nghiệp nước ngoài thì khi đàm phán, doanh nghiệp chỉ làm việc khi đối tác có luật sư đi cùng, bởi luật sư là người gác cổng cho doanh nghiệp về vấn đề pháp lý mà thường những tranh chấp đều xuất phát từ kẽ hở pháp lý thế nhưng, về vấn đề này thì hiện này doanh nghiệp Việt Nam đang bỏ ngỏ quá nhiều. Rất cần hơn nữa một đội ngũ luật sư tư vấn cho doanh nghiệp thật sự chất lượng và hiệu quả để tránh những tổn thất đáng buồn như vụ việc của Hãng hàng không Airlines Việt Nam, hay vụ việc Cá tra, cá Ba sa, vụ việc của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam...

Xin kết luận với nhận định của Ông Nguyễn Trần Bạt- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc InvestConsult Group: "Hội nhập không chỉ là một ý chí chính trị, hội nhập là một năng lực thật sự của con người, trong đó năng lực của những người hướng dẫn luật pháp là một trong những năng lực vô cùng hệ trọng"...

Cao Thị Huyền Thương

CLB Pháp chế doanh nghiệp - Bộ Tư pháp