Đề nghị đổi mới hình thức chất vấn tại Quốc hội

01/07/2008
Tuy chỉ tiến hành trong một ngày (30/6), nhưng phiên họp thứ 9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc rút kinh nghiệm về kỳ họp Quốc hội thứ 3 và chuẩn bị nội dung cho kỳ họp Quốc hội thứ 4, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10.

 “Chất vấn là dành cho Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không trả lời thì giao cho Phó Thủ tướng hoặc các Bộ trưởng trả lời, nhưng Thủ tướng là người chịu trách nhiệm. Bởi vậy, nên chọn vấn đề để chất vấn, chứ không nên chọn Bộ trưởng”- ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề xuất.

Đồng tình với ý kiến này, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nên chọn một vấn đề bức xúc nhất về kinh tế, xã hội diễn ra trong năm để tiến hành chất vấn. “Kéo cả Chính phủ vào hoạt động chất vấn. Phá thế mấy ông Bộ trưởng chuẩn bị trả lời bằng văn bản” – ông Ksor Phước ví von. Cách chất vấn theo vấn đề mà ông Đào Trọng Thi đề xuất, ông Ksor Phước đồng tình và các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội ủng hộ sẽ tránh được tình trạng các Bộ trưởng trả lời thiên về những hoạt động của ngành mình, đồng thời nêu bật được vai trò của của Chính phủ trong quá trình điều hành. “Không thể cứ để cơ chế chung chung, thắng lợi thì ai cũng nhận là tôi đã nói thế này, thế nọ, nhưng khi thất bại thì chẳng ai nhận trách nhiệm, tất cả chỉ là nhân dân chịu” – ông Ksor Phước nhấn mạnh. Cũng theo ý kiến của các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, việc chất vấn các Bộ trưởng sẽ được tiến hành thường xuyên tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội nên phần chất vấn trước phiên họp toàn thể Quốc hội sẽ dành trọng tâm cho Thủ tướng và tập thể Chính phủ. Điều đó không chỉ tạo nên sự khác biệt giữa chất vấn tại Thường vụ Quốc hội và chất vấn trước Quốc hội mà còn nâng cao tính trách nhiệm, minh bạch của hoạt động chất vấn. “Sáng kiến” này được các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đưa ra ngày 30/6 sau khi đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm về kỳ họp thứ 3, một kỳ họp mà tại phần chất vấn, Thủ tướng Chính phủ hầu như không có thời gian để trả lời một câu hỏi trực tiếp nào của đại biểu Quốc hội.

Góp ý cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng, việc giám sát của Quốc hội vẫn còn mang tính hình thức, nể nang, nên nhiều cái đáng lẽ phải nói lại không dám nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận: "Hoạt động giám sát của QH vẫn chưa khắc phục được hạn chế về hiệu quả do các giải pháp đưa ra chưa thật sự mang tính đột phá. Việc đôn đốc các cơ quan thực hiện các kiến nghị giám sát cũng chưa được chú trọng". Do đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị, cùng với nhiều đổi mới trong cách thức tiến hành, cần đẩy mạnh công tác "hậu giám sát". Cụ thể, cần có Nghị quyết của Quốc hội về các vấn đề đã được chất vấn để chúng được giải quyết nghiêm túc và có chế tài với việc thực hiện lời hứa của người trả lời chất vấn.

Kỳ họp thứ 4: Thông qua dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi)

 Cũng trong phiên họp sáng ngày 30/6, tại Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sẽ có 8 dự án Luật và 1 Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp cuối năm này. Đó là các Luật: Thuế tiêu thụ đặc biệt, Công vụ, Quốc tịch (sửa đổi), Thi hành án dân sự, Bảo hiểm y tế, Công nghệ cao, Đa dạng sinh học, Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Nghị quyết về chương trình xây dựng  luật, pháp lệnh năm 2009. Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 12 dự án Luật khác.

Về nội dung xem xét các vấn đề kinh tế, xã hội, sẽ có nhiều báo cáo quan trọng được Quốc hội nghe và thảo luận như: Các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2009; quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009; Các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; Các báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Các báo cáo của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; Các báo cáo về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; Các báo cáo về công tác đối ngoại của nhà nước; tình hình quốc phòng, an ninh; Các báo cáo về tình hình thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các công trình quan trọng quốc gia… Đặc biệt, quá trình và kết quả thực hiện Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan sẽ được Quốc hội xem xét ngay tại kỳ họp thứ 4 này. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian thích đáng để nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.

Theo Chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào hạ tuần tháng 11/2008.

La Thành