Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Rất khó xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật

10/06/2022
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Rất khó xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật
Về một trong những nội dung được đại biểu chất vấn liên quan đến lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định: Nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng rất khó xảy ra.
Chiều 9/6, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã báo cáo một số nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tại phần chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực, Đại biểu Quốc hội Cầm Hà Chung (Đoàn Phú Thọ) bày tỏ nhất trí với Báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng về nội dung công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với những hạn chế, Đại biểu Chung đề nghị Phó Thủ tướng trao đổi, làm rõ thêm nội dung liên quan đến công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. “Cụ thể hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng đâu đó vẫn còn lợi ích nhóm, cục bộ, ngành chạy theo thành tích trong quá trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ đánh giá vấn đề này như thế nào và sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới?”, Đại biểu nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cho biết, để bảo đảm chất lượng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là liên quan đến luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, cơ quan soạn thảo phải tổng kết, thi hành pháp luật và đánh giá tác động chính sách thì mới đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, khi xây dựng phải lấy ý kiến về đánh giá tác động của chính sách.
Ngoài ra, phải tổ chức các hội nghị, hội thảo để đánh giá, tiếp thu, qua đó cơ quan soạn thảo, bên cạnh việc phải lấy ý kiến tổ chức hội thảo, xây dựng và ý kiến thẩm định cuối cùng là của Bộ Tư pháp thì phải đưa ra Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về luật pháp hoặc các phiên họp thường kỳ của Chính phủ để xem xét các dự thảo luật, đặc biệt luật trước khi trình Quốc hội. Đó là quy trình hết sức chặt chẽ.
Với quy định nêu trên của Luật, nếu tuân thủ quy trình xây dựng văn bản pháp luật một cách nghiêm túc thì hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình xây dựng theo quy trình này rất khó xảy ra. Bởi vì không thể một cơ quan nào xây dựng luật được mà phải trên cơ sở lấy ý kiến đánh giá tác động cũng như tiến trình hết sức chặt chẽ.
Chính phủ đã đề ra những quy định và có những biện pháp, nhóm giải pháp, trước hết là cần minh bạch hóa và kiểm soát chặt chẽ quá trình xây dựng luật, xây dựng văn bản.
Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, của các cơ quan Chính phủ, nhất là vai trò của Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan. Trong các cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ luôn luôn yêu cầu khi xây dựng luật thì các Bộ trưởng phải có trách nhiệm, nếu là các cơ quan chủ quản đề xuất dự án luật.
Bên cạnh đó là phát huy vai trò của Ban soạn thảo theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật đã yêu cầu thành lập các Ban soạn thảo có thành phần của nhiều cơ quan cùng tham gia vào việc xây dựng luật.
Tiếp đến là nâng cao chất lượng thẩm định, thẩm tra của Bộ Tư pháp và các cơ quan của Quốc hội trong việc thông qua các luật.
Cuối cùng là củng cố, kiện toàn và phát huy hiệu quả tổ chức pháp chế của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ yêu cầu các bộ đều phải có vụ, đơn vị liên quan đến việc xây dựng pháp luật, thể chế pháp luật.
Cũng tại phần chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực, Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) đề nghị Chính phủ cho biết về tình hình và giải pháp phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi mạnh mẽ hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Về câu hỏi này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, việc phân cấp nói chung và phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính nói riêng thời gian qua được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện. Trong đó có vấn đề giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và đẩy mạnh phân cấp, giải quyết thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương.
Ví dụ như trong tổng số 6.500 thủ tục hành chính thì có khoảng hơn 20% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương các cấp, còn lại thuộc thẩm quyền cơ quan trung ương. Đây còn là con số lớn tiếp tục trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vấn đề cải cách thủ tục hành chính.
Về giải pháp, ngay đầu năm 2022, Chính phủ đã tổ chức hội nghị của các bộ, ngành với tất cả các tỉnh thành về vấn đề phân cấp, phân quyền. Qua hội nghị đã có những biện pháp để đẩy mạnh nhanh hơn vấn đề phân cấp, phân quyền trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cho các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục nêu cao tinh thần chủ động, tích cực trong rà soát đề xuất phân cấp, phân quyền hơn nữa./.
Hà Uyên