Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Đề án xây dựng và hoàn thiện NNPQ

07/06/2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Đề án xây dựng và hoàn thiện NNPQ
Ngày 6/6, tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc tham gia vào Đề án.

Tham dự hội nghị còn có các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; đại diện lãnh đạo các ban Đảng, Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; đại diện Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy và đại diện Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy của 28 địa phương khu vực phía Bắc. Đồng thời, có sự hiện diện của thành viên Tổ Biên tập; các chuyên gia, nhà khoa học, nhưng người làm công tác thực tiễn và đại diện một số vụ chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án nhấn mạnh: Tại Hội nghị này, trên cơ sở các dự thảo tài liệu Đề án đã gửi, các đại biểu cần tập trung trao đổi, thảo luận vào 3 nội dung quan trọng là: Ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thời gian qua. Đồng thời nêu quan điểm, mục tiêu, đột phá, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ nay đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Tại hội nghị, Tổ Biên tập đã báo cáo tóm tắt về tiến độ xây dựng Đề án. Theo đó, ngay sau khi được thành lập, từ tháng 5/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương tổ chức chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án.

Cụ thể, đã xây dựng kế hoạch; phân công các cơ quan nghiên cứu, xây dựng 27 báo cáo Chuyên đề, thành lập Tổ Biên tập, Nhóm Biên tập xây dựng Đề án làm việc tập trung, giao Ban Nội chính Trung ương làm cơ quan thường trực, giúp Ban Chỉ đạo điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công; đã tổ chức thành công 3 hội thảo quốc gia, 6 cuộc tọa đàm chuyên sâu; huy động hơn 600 lượt đại biểu là chuyên gia, nhà khoa học pháp lý hàng đầu của đất nước, cán bộ làm công tác thực tiễn có kinh nghiệm, tâm huyết tham gia trao đổi, thảo luận, góp ý cho việc xây dựng Đề án.

Các ý kiến góp ý của đại biểu tại các hội thảo, tọa đàm đã bám sát Cương lĩnh của Đảng; Hiến pháp của đất nước qua các thời kỳ; các Nghị quyết của Trung ương, nhất là Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Tổ Biên tập cũng xây dựng dự thảo tài liệu Đề án và tổ chức 2 phiên họp để cho ý kiến. Về cơ bản, dự thảo Đề án qua các lần tiếp thu, chỉnh sửa đã đạt được sự đồng thuận cao của các thành viên Ban Chỉ đạo. Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề mới, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận để đi đến thống nhất.

Phát biểu tham gia ý kiến đóng góp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng: Từ thực tiễn tổ chức quyền lực nhà nước ở địa phương trong hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Với góc nhìn, kinh nghiệm thực tế của Quảng Ninh cho thấy: Cần giải quyết tốt hơn nữa mối quan hệ cơ bản giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Trung ương cho địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.

Bí thư Quảng Ninh nhấn mạnh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn cho địa phương không chỉ phù hợp với xu hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, nhất là cung ứng dịch vụ công và huy động nguồn lực cho phát triển. Về nguyên tắc, cái gì sát với nhu cầu của người dân, với thị trường thì nên phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Bên cạnh đó, cần nhận thức đúng vị trí của tự quản xã hội trong nhà nước pháp quyền XHCN; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với các địa bàn nông thôn và miền núi, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Hội nghị đã có 18 ý kiến phát biểu, tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo đại diện thường trực các tỉnh ủy, thành ủy đối với dự thảo Đề án. Các ý kiến góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề cần được chỉnh sửa, bổ sung trong Đề án.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và đánh giá cao công tác chuẩn bị hội nghị của Thường trực Ban Chỉ đạo là Ban Nội chính Trung ương đã phối hợp với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị tốt cho Hội nghị với đông đảo các thành phần quan trọng hôm nay.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và vui mừng khi thấy các ý kiến đều thống nhất đánh giá dự thảo Đề án được xây dựng công phu, nghiêm túc, bám sát cương lĩnh, Hiến pháp và nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, làm rõ được sự cần thiết, tính cấp thiết của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, đánh giá đúng thực trạng, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.

Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất và khẳng định các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, thể hiện khá rõ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến góp ý rất thẳng thắn, trách nhiệm về những vấn đề cần được nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung vào dự thảo Đề án.

Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng tài liệu Đề án, phổ biến, quán triệt trong cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức về chủ trương, mục tiêu, định hướng, tầm quan trọng và tính tất yếu của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Sau hội nghị này, Tổ Biên tập cần khẩn trương tiếp thu ý kiến các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo, tài liệu của Đề án, đồng thời tiếp tục chuẩn bị 2 hội nghị xin ý kiến tỉnh ủy, thành ủy tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam.

Công Thành

baophapluat.vn