“Ghi điểm” với quyết tâm truyền thông chính sách pháp luật từ sớm, từ xa

31/05/2022
Truyền thông về chính sách hiện có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Vì vậy, việc Bộ Tư pháp tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” thực sự ghi điểm trong dư luận về việc sớm vào cuộc thực hiện truyền thông chính sách pháp luật ngay từ khâu xây dựng dự thảo.
Giải pháp hữu hiệu thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra…”
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, rất nhiều văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước như Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 83-KL/TW, số 84-KL/TW của Bộ Chính trị; Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng… đã tạo cơ sở chính trị, pháp lý để tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông về dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL chưa được triển khai đồng bộ, có hiệu quả; việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo VBQPPL chủ yếu được thực hiện thông qua đăng tải trên Cổng/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương, hiệu quả còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác PBGDPL chưa thực sự gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng pháp luật, chủ yếu thực hiện phổ biến, tuyên truyền đối với các VBQPPL đã được ban hành. Thực tiễn này đã và đang tạo ra khoảng trống đối với hoạt động truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội từ sớm, từ xa, ngay từ khâu lập đề nghị và soạn thảo VBQPPL một cách đồng bộ, bài bản, hiệu quả. Sự thiếu hụt này đã ảnh hưởng đến chất lượng soạn thảo của VBQPPL và trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo VBQPPL của các cơ quan chủ trì soạn thảo; làm ảnh hưởng trực tiếp đến tính công khai, minh bạch của văn bản, hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách sau khi được ban hành, qua đó tác động đến sự phát triển của đời sống, kinh tế, xã hội…
Một số VBQPPL mặc dù đã thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng không được thông qua và ban hành do chất lượng soạn thảo và tính đồng thuận xã hội còn hạn chế. Có VBQPPL do chưa thực hiện truyền thông ngay từ khâu soạn thảo nên ngay sau khi được ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều, phản ứng chính sách từ cộng đồng xã hội, từ đó làm giảm chất lượng của văn bản và hiệu quả thi hành trong thực tiễn. Thực tế này đặt ra yêu cầu cần có giải pháp căn cơ để lấp đầy “khoảng trống” nêu trên.
Kinh nghiệm một số nước cho thấy, việc tổ chức truyền thông VBQPPL từ khâu soạn thảo đến khi ban hành đã được một số quốc gia coi trọng và triển khai hiệu quả trên thực tế. Ở Canada, công tác truyền thông dự thảo chính sách, pháp luật từ khâu soạn thảo được thực hiện thông qua tham vấn cộng đồng dưới nhiều hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cổng Thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Việc tham vấn rất chú trọng đối tượng là luật sư, cán bộ thi hành, bảo vệ pháp luật. Tại Đan Mạnh, việc tổ chức truyền thông về văn bản pháp luật từ khâu soạn thảo đến khi ban hành được thực hiện bởi Trung tâm thông tin thuộc Bộ Nghiên cứu và công nghệ thông tin thông qua phát hành tờ tin, tạp chí, mạng Internet… Tại Hàn Quốc, Chính phủ áp dụng quy chế hoạt động của truyền thông chính sách quốc gia dưới dạng nghị định với tất cả các hoạt động truyền thông của Chính phủ, từ việc trưng cầu dân ý đến việc thông báo các chính sách của Chính phủ…
Trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục nỗ lực xây dựng và hoàn thiện pháp luật xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc tăng cường cơ chế dân chủ, công khai để mọi cá nhân trong xã hội đều có thể tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân là một yêu cầu tất yếu và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp năm 2013. Với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, việc truyền thông về chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu, cần thiết và cấp bách hiện nay. Hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL được tiến hành song song, đồng thời, không thay thế quy trình lấy ý kiến về dự thảo VBQPPL theo quy định hiện hành mà có tính chất hỗ trợ, giúp cho công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong đời sống, xã hội.
Chú trọng truyền thông những chính sách khó, nhạy cảm
Vì vậy, Bộ Tư pháp đã tham mưu trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 – 2027” (Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022). Theo đó, Đề án sẽ tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng VBQPPL thông qua các kênh thông tin, báo chí rộng rãi, tương tác đa chiều giữa người dân, tổ chức, doanh nghiệp với cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Đặc biệt, Đề án xác định năm 2022, 70% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL. Từ năm 2023, 100% chính sách có tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án được cơ quan chủ trì soạn thảo VBQPPL tổ chức truyền thông từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL đến khi thông qua, ban hành VBQPPL.
Đề án cũng đưa ra hàng loạt biện pháp triển khai các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách nhằm bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng VBQPPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, tăng cường dân chủ, phát huy quyền con người, quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Cụ thể, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác truyền thông dự thảo chính sách; phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo VBQPPL trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách; huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách…
Về phần mình, Bộ Tư pháp sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật về xây dựng VBQPPL; PBGDPL và tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và nguồn lực cho hoạt động truyền thông dự thảo chính sách; thực hiện nhiệm vụ của Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức, địa phương tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động truyền thông dự thảo chính sách; chủ trì triển khai truyền thông một số dự thảo chính sách theo phân công của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương.
Bộ Tư pháp cũng sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Tài liệu hướng dẫn kỹ năng truyền thông về dự thảo chính sách để cung cấp cho các bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương triển khai thực hiện bảo đảm thực hiện thống nhất, chất lượng, khả thi; chủ trì, phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách./.
Thùy Lan