Doanh nghiệp hài lòng, đánh giá cao về sự phục vụ của Bộ, ngành Tư pháp

31/05/2022
Doanh nghiệp hài lòng, đánh giá cao về sự phục vụ của Bộ, ngành Tư pháp
Sau quá trình triển khai, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế) thống nhất quản lý giúp Chính phủ triển khai công tác này trên phạm vi cả nước đã góp phần tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Lần đầu tiên trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã ghi nhận: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPLDN) có bước phát triển mạnh”. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 lần đầu tiên ghi nhận chế định HTPLDN tại Điều 14 là một trong những hoạt động hỗ trợ xuyên suốt 6 hình thức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định trong Luật. Nghị định số 55/2019/NĐ-CP giao cho Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước công tác HTPLDN trên phạm vi toàn quốc (khoản 1 Điều 14). Công tác HTPLDN (trong đó tập trung doanh nghiệp nhỏ và vừa) giúp cho Bộ Tư pháp nói riêng và ngành Tư pháp nói chung tạo được “dấu ấn” trong cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những hoạt động gây ấn tượng và tạo sự hài lòng với doanh nghiệp về công cuộc cải cách hành chính, phục vụ hành chính của Bộ, ngành Tư pháp.
“Luồng gió mới” trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Theo Báo cáo của các bộ, ngành thực hiện công tác HTPLDN, đến nay, 100% các bộ, ngành đã xây dựng và đưa vào khai thác Trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục thông tin pháp luật hoặc cung cấp văn bản pháp luật trong lĩnh vực bộ, ngành quản lý trên trang thông tin điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tra cứu văn bản quy phạm pháp luật và góp ý đối với dự thảo văn bản. Về phần mình, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành Trang HTPLDN trên Cổng Thông tin của Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn) từ năm 2017.
Một số bộ, ngành đã xây dựng các cơ sở dữ liệu pháp luật; xây dựng, phát hành các Bản tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để kịp thời cập nhật thông tin về văn bản mới ban hành cũng như những nghiên cứu, bình luận, trao đổi các nội dung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Chương trình HTPL liên ngành dành cho doanh nghiệp triển khai từ năm 2010 đến nay đã biên soạn hàng chục nghìn tài liệu/bản tin HTPLDN phát miễn phí cho doanh nghiệp trên cả nước; xaayd ựng các tài liệu/bản tin điện tử đăng tin .
Chương trình HTPL liên ngành cho doanh nghiệp (triển khai từ năm 2010) đã triển khai đồng bộ các nhóm hoạt động: thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác HTPLDN; HTPLDN trên một số hoạt động cụ thể (đến năm 2019, trên cơ sở Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về HTPLDN nhỏ và vừa). Chương trình HTPL liên ngành cho doanh nghiệp đã tổ chức hàng trăm tọa đàm/đối thoại, lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, thu hút hàng chục nghìn lượt đại biểu tham dự; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác HTPLDN tại các bộ, ngành, địa phương, cán bộ pháp chế doanh nghiệp và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; xây dựng và phát sóng hàng trăm chuyên đề “Kinh doanh và pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; xây dựng và duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Giai đoạn dịch bệnh COVID-19 từ năm 2020, 2021 và tiếp tục trong năm 2022, một số hoạt động HTPLDN nhỏ và vừa lần đầu tiên được triển khai trong bối cảnh dịch bệnh nhằm tiếp tục HTPLDN như xây dựng và phát sóng Chương trình HTPLDN nhỏ và vừa phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên Đài Truyền hình; tổ chức các tọa đàm, hội trảo trực tiếp kết hợp trực tuyến cho doanh nghiệp trên cả nước; xây dựng các tài liệu, bản tin điện tử phổ biến pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Ngày 25/7/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định số 1696/QĐ-BTP về việc công bố thủ tục hành chính lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/8/2019, cơ quan thực hiện: bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, lĩnh vực HTPLDN nhỏ và vừa do Bộ Tư pháp quản lý có 2 thủ tục hành chính mới được công bố là: (i) thủ tục đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) thủ tục đề nghị thanh toán chi phí hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Có thể nói, việc ban hành và triển khai các hoạt động HTPLDN ngày càng tạo được “dấu ấn”, hiệu ứng tích cực trong công tác cải cách hành chính của Bộ Tư pháp. Hoạt động này, đã tạo ra một “luồng gió mới” và “tiếp thêm sức mạnh” cho các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trong công tác HTPLDN thông qua các hoạt động này.
Tiếp tục triển khai đồng bộ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định trọng tâm và các định hướng của công tác HTPLDN nhỏ và vừa trong thời gian tới như sau: (i) hỗ trợ doanh nghiệp các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế; (ii) tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; (iii) có chính sách hỗ trợ hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; và (iv) điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và thể hiện tính liên ngành, liên vùng. 
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 (Điều 14) quy định về cơ chế HTPLDN, thông tin pháp lý cho doanh nghiệp, mạng lưới tư vấn và Chương trình HTPLDN, Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động HTPLDN nhỏ và vừa, đáp ứng yêu cầu HTPLDN và góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tại các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Mục 131); Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 (Mục 69); Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 (điểm g khoản 3 Mục III); Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 (Mục 53), Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HTPLDN giai đoạn 2021-2030” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12 năm 2022.
Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp đẩy mạnh thông tin điện tử về HTPLDN thông qua Trang HTPLDN (trên www.moj.gov.vn), các kênh thông tin, truyền thông và mạng xã hội; hoàn thiện và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác HTPLDN như mô hình “Bác sĩ doanh nghiệp“Cà phê doanh nhân”, “Cà phê doanh nghiệp thứ 7”...  nhằm rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, là địa chỉ để giải đáp các thắc mắc pháp lý cho doanh nghiệp và tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật. Đây bước đầu là các “điểm sáng” trong công tác HTPLDN, hình thành các mô hình hiệu quả cho hoạt động HTPLDN tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các loại hình doanh nghiệp, phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện kinh tế - xã hội của các địa bàn trên cả nước trong thời gian tới.
Theo Bộ Tư pháp, ngoài việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong công tác HTPLDN nhỏ và vừa; kinh phí trong công tác này; công tác truyên truyền phổ biến công tác HTPLDN; cơ chế phối hợp chung nhằm thực hiện công tác HTPLDN giữa Trung ương với địa phương, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và các ngành có liên quan trong công tác HTPLDN. Việc thực hiện đổi mới xây dựng chương trình HTPLDN theo hướng thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lặp; tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động này cũng như khen thưởng, xử lý các hành vi vi phạm; tiếp cận từ mô hình quản lý theo kết quả và hướng tới nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, gắn với các Chỉ số đo lường chất lượng quản trị địa phương như PCI, PAPI, ICT Index, SIPAS thích ứng với từng địa phương trên cả nước./.

Thành Công