Quốc hội giám sát tối cao về công tác quy hoạch

31/05/2022
Quốc hội giám sát tối cao về công tác quy hoạch
Ngày 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.
Nhiều trăn trở của các đại biểu dân cử
Đóng góp ý kiến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội có một Nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch “treo” kéo dài nhiều năm ở các địa phương và có những đột phá về các chủ trương, chính sách để giải quyết tình trạng quy hoạch “treo”.
Ngoài ra, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành giải quyết một số điểm quy hoạch treo nổi bật, kéo dài. Giải pháp thực hiện dựa trên các tiêu chí: tính hợp lý, khả thi và hài hòa các lợi ích.
Góp ý vào nội dung thảo luận, Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, Báo cáo của Đoàn giám sát chưa chỉ ra được hậu quả việc chậm, không thực hiện mục tiêu công tác quy hoạch đặt ra vào ngày 31/12 năm nay, từ đó chưa chỉ ra được tác động của quy hoạch đối với nhiều công việc quan trọng của đất nước, của địa phương và các ngành. Đại biểu Nguyễn Duy Thanh nêu rõ, Báo cáo giám sát cũng chưa chỉ ra được mấu chốt của vấn đề đang tắc nghẽn trong việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Vì vậy, Đại biểu đề nghị Quốc hội cần làm rõ những thiệt hại về kinh tế - xã hội do tác động của việc chậm trễ phê duyệt quy hoạch các cấp, từ đó nhận diện đúng đắn tình hình sửa đổi pháp luật, đề cao trách nhiệm cá nhân. Đồng thời đề nghị trước mắt cần đánh giá tác động tích cực của Luật Quy hoạch để xử lý tốt quá trình chuyển tiếp của các dự án, đề án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước, của vùng, địa phương và các ngành. Đại biểu kiến nghị rà soát lại cán bộ để lựa chọn, đào tạo đội ngũ chuyên môn, am hiểu công tác quy hoạch để đưa việc quy hoạch ngày càng tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
 
Thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) thẳng thắn, việc thực hiện công bố, công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân chưa thực sự được coi trọng. Đại biểu cho rằng, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin, sốt ảo đất đai, đầu cơ, thao túng thị trường đất đai, gây bất ổn thị trường, khiếu kiện về đất đai dẫn đến mất an ninh trật tự tại một số địa phương. Tuy nhiên, việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện được công bố công khai, thông tin chưa được thực hiện nghiêm túc,
Đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị với Quốc hội, trong dự thảo nghị quyết giám sát của Quốc hội cần bổ sung quy định về biện pháp, chế tài xử lý cụ thể với những trường hợp chậm hoặc không công khai thông tin quy hoạch, bảo đảm những quy định của pháp luật về quy hoạch được thực thi nghiêm túc trên thực tế.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) ủng hộ việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên đề nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch. Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, qua đó chú trọng việc tăng cường cung cấp thông tin, đổi mới cơ chế, cách thức công khai quy hoạch, lấy ý kiến của nhân dân, giúp cho người dân dễ nắm bắt, dễ tiếp cận thông tin liên quan đến quy hoạch, đảm bảo dân chủ, đồng thời góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân một cách tốt nhất.
“Tư lệnh” các ngành giải trình một số vấn đề
Giải trình làm rõ một số nội dung mà các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu rõ, trong điều kiện bất định và khó lường hiện tại, cần thiết phải minh định lại những thuật ngữ, khái niệm, nội hàm trong quy định pháp luật, từ quy hoạch tích hợp, điều chỉnh quy hoạch từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Theo Bộ trưởng, đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học, công nghệ, thị trường, không thể có quy hoạch phủ hết toàn bộ, mà cần có hai phần: phần cứng do Nhà nước can thiệp và phần còn lại là dung lượng do thị trường điều chỉnh, qua đó có không gian linh hoạt thích ứng với sự thay đổi…
Liên quan đến các quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho rằng bỏ quy hoạch sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp là một bước tiến lớn. Trong điều kiện thị trường ngày càng mở và bất định, đặc biệt với những diễn biến khó lường như trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua, khó có được đẩy đủ dữ liệu để đưa ra quyết định quy hoạch, hoặc đề ra các chỉ số, chỉ tiêu một cách cứng nhắc. 
Giải trình, làm rõ ý kiến các của các vị ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, những tồn tại, hạn chế của Bộ chủ yếu là chưa đạt tiến độ lập quy hoạch ngành quốc gia so với yêu cầu và kỳ vọng. Vì vậy, giải pháp về lâu dài, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng rất cần phải tổng kết, đánh giá một cách thấu đáo để rà soát, điều chỉnh, bổ sung Luật Quy hoạch phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, bổ sung các nội dung như bổ sung quy hoạch về điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó quy định về tiêu chí, nguyên tắc điều chỉnh cục bộ, quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh cục bộ sao cho vừa bảo đảm linh hoạt trong quá trình thực hiện, vừa bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đồng bộ và bảo đảm việc không điều chỉnh cục bộ tràn lan, phá vỡ tính liên kết, ổn định của hệ thống quy hoạch. Bổ sung vào danh mục quy hoạch trong Luật Quy hoạch ngành quốc gia quan trọng để bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Đánh giá cao báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc lựa chọn chuyên đề giám sát này rất phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay.
Tiếp thu những ý kiến xác đáng của các đại biểu, Bộ trưởng cho biết, việc đưa tất cả những yêu cầu, mục tiêu phát triển cùng xuất hiện trong một quy hoạch là một điều rất khó khăn trên thực tế. Tới đây, theo Bộ trưởng, cần có sự quản lý chặt chẽ và hợp lý các quy hoạch, cần tích hợp các quy hoạch để đảm bảo mối quan hệ hữu cơ, hài hòa và thống nhất giữa các quy hoạch.
Để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng lập quy hoạch trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Bộ nhận trách nhiệm tiếp tục tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo những bộ ngành liên quan, các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch.
Chất lượng quy hoạch cần được ưu tiên hàng đầu và có tính dẫn dắt trong việc cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy được tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, phải khắc phục được hạn chế, khó khăn, mâu thuẫn, chồng chéo, yếu kém, đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo động lực phát triển bền vững đất nước.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, trước mắt cần khắc phục ngay những khó khăn, vướng mắc, bất cập nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các giải pháp trong trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Luật Quy hoạch và các luật, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quy hoạch để kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy hoạch, các luật có liên quan đến quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về công tác quy hoạch, bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và hoàn thiện các nội dung dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.
T.Hoàng