Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân
Theo giải trình của UBTVQH, quy định TNHS của pháp nhân là nội dung mới trong sửa đổi BLHS lần này. Đây là vấn đề đã được Chính phủ nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn. Việc bổ sung quy định này vào BLHS là cấn thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, nhất là đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về kinh tế và môi trường của pháp nhân và để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Kết quả lấy ý kiến Nhân dân và lấy ý kiến của ĐBQH bằng phiếu cho thấy, đa số đều tán thành việc bổ sung quy định TNHS và phạm vi chịu TNHS của pháp nhân như dự thảo BLHS. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội bổ sung vào dự thảo BLHS quy định về TNHS của pháp nhân. Cụ thể: sửa đổi quy định về cơ sở TNHS (Điều 2), về khái niệm tội phạm (Điều 8); quy định các hình phạt đối với pháp nhân (Điều 33); điều kiện chịu TNHS của pháp nhân (Điều 75).
Về phạm vi chịu TNHS của pháp nhân, trên cơ sở ý kiến Nhân dân và ĐBQH, qua tổng kết thực tiễn xử lý vi phạm hành chính và tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, Điều 76 BLHS (sửa đổi) quy định 31 tội danh mà pháp nhân bị xử lý hình sự thuộc Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (Chương XVIII) và Chương các tội phạm về môi trường (Chương XIX).
Nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, hối lộ không bị tử hình
UBTVQH nhận thấy, việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Vì vậy, khoản 3 Điều 40 BLHS (sửa đổi) quy định, “Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ 75 tuổi trở lên;”
Riêng điểm c khoản 3 điều này, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Nhiều ý kiến tán thành thay thế Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165 BLHS hiện hành) bằng các tội danh cụ thể; có ý kiến đề nghị giữ lại tội danh này và sửa tình tiết “trái quy định của Nhà nước” thành “trái pháp luật Nhà nước”.
Theo UBTVQH, việc thay thế Điều 165 BLHS hiện hành bằng các tội cụ thể trong từng lĩnh vực quản lý kinh tế là cần thiết nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm sự minh bạch, an toàn của môi trường kinh doanh, tránh sự tùy tiện trong áp dụng.
Vì vậy, trên cơ sở tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử về Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong những năm qua, nhất là các sai phạm có tính phổ biến qua các vụ án kinh tế lớn đã xét xử, đồng thời, rà soát quy định của các luật chuyên ngành trên các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoài việc sửa đổi, bổ sung các tội danh hiện có trong “Chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế” (gồm 45 điều), UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung 15 tội danh mới thuộc các lĩnh vực kinh tế, quy định cụ thể từ Điều 212 đến Điều 225 và các điều: 230 và 233 của Dự thảo để tránh bỏ lọt tội phạm.
H.Giang
7 tội danh được bỏ hình phạt tử hình trong BLHS (sửa đổi) gồm Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249); Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394); Tội đầu hàng địch (Điều 399). |
Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi); Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều 173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 265 (Tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép); Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản); Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự). |