Phát huy vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự

29/06/2015
Vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự (TTHS) Việt Nam hiện nay tuy đã được quy định song còn hết sức mờ nhạt, yếu ớt và không thể trở thành đối trọng cân bằng với bên buộc tội. Đây là nhận định được nhiều ý kiến đồng tình khi tham dự cuộc hội thảo do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây và mong muốn hạn chế trên sẽ được khắc phục trong lần sửa đổi Bộ luật TTHS tới đây.

Quyền nhiều nhưng dễ bị cản trở

Bộ luật TTHS năm 2003 tại Điều 58 quy định luật sư với tư cách là người bào chữa trong TTHS được tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Nếu bắt người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang thì người bào chữa tham gia từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cần giữ gìn bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia, Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định để người bào chữa tham gia từ khi kết thúc điều tra. Điều 58 cũng trao cho người bào chữa rất nhiều quyền, song các quy định này lại quá chung chung, thậm chí là mập mờ, dễ bị cản trở thực hiện.

TS Vũ Gia Lâm (Trưởng bộ môn Luật TTHS, Trường Đại học Luật Hà Nội) dẫn chứng: Theo quy định hiện hành, chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ qua việc triệu tập những người biết về vụ án và nghe học trình bày, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án. Trong khi đó, người bào chữa chỉ được quyền thu thập các tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án và chúng chỉ là chứng cứ khi được giao nộp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, được ghi nhận, đưa vào hồ sơ. “Như vậy, luật sư có thu thập được chứng cứ thì cũng không được tự mình sử dụng để chứng minh những tình tiết trong vụ án mà phải giao cho các cơ quan tiến hành tố tụng” – ông Lâm đúc rút.

Không chỉ đề cập đến quyền thu thập chứng cứ của luật sư, PGS.TS Hoàng Thị Minh Sơn (Trường Đại học Luật Hà Nội) còn phân tích rất chi tiết vai trò của luật sư trong tham gia các hoạt động điều tra, trong hoạt động tranh tụng và đặc biệt lưu ý đến vai trò của luật sư trong bào chữa chỉ định. Theo bà Sơn, trong thực tiễn để tiện, cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp mời đích danh một luật sư quen biết nào đó tham gia tố tụng, thậm chí các thư ký tòa đều có danh sách một số luật sư “chữa cháy” và gọi điện “nhờ” bào chữa để tránh việc hoãn phiên tòa vì không có luật sư. Bằng “con đường tắt” ấy, cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng được việc của mình, tránh được vi phạm tố tụng, lại không phải e ngại luật sư mình mời sẽ gây ra rắc rối. “Cơ quan tiến hành tố tụng trực tiếp mời luật sư, đứng ra thanh toán thù lao cho luật sư, dễ dẫn tới tình trạng luật sư cả nể, không muốn phản biện, đấu tranh” – bà Sơn thẳng thắn và đề xuất phải xem lại việc “mời trực tiếp” để đảm bảo được sự khách quan và không vi phạm quy định của Bộ luật TTHS.

Tạo chủ động hơn nữa cho luật sư

Cũng quan tâm đến bào chữa chỉ định, TS Nguyễn Thị Thủy (Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học, VKSNDTC) kiến nghị mở rộng những trường hợp bắt buộc cơ quan tố tụng phải chỉ định người bào chữa. Cụ thể, ngoài các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 Bộ luật TTHS năm 2003, cần thiết mở rộng trường hợp bắt buộc bào chữa đối với bị can, bị cáo về tội có mức hình phạt đến 15 năm tù. Không những thế, theo bà Thủy, nên sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người bào chữa nhanh chóng tham gia tố tụng, tiếp cận với quá trình giải quyết vụ án theo hướng đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa và thủ tục tham gia bào chữa, kể cả thay quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa bằng giấy đăng ký bào chữa.

Tán thành mở rộng hơn những trường hợp bắt buộc phải mời người bào chữa nhưng ThS Nguyễn Văn Tùng (Phó Trưởng phòng Viện Khoa học xét xử, TANDTC) lại cho rằng cần tiếp tục giữ quy định về cấp giấy chứng nhận người bào chữa. Có điều, ông Tùng nhất trí nên đơn giản thủ tục này và cho phép luật sư chỉ phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận một lần, tránh việc đã được cơ quan điều tra cấp giấy chứng nhận là người bào chữa mà vẫn làm lại thủ tục ở giai đoạn truy tố, xét xử như hiện nay. Ngoài ra, ông Tùng nhấn mạnh, cần đổi mới hình thức tổ chức phiên tòa theo hướng bố trí lại vị trí chỗ ngồi của kiểm sát viên (bên buộc tội) và luật sư (bên gỡ tội) để thể hiện sự bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng để bảo vệ quyền lợi của bị cáo.

Bàn về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa, Thiếu tướng, GS.TS Lê Minh Hùng (Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân) đề nghị sửa đổi theo hướng người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can để phù hợp với quy định tại Hiến pháp năm 2013. Trong trường hợp bắt hoặc tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bắt hoặc nhận người bị bắt hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Liên quan đến giấy chứng nhận, ông Hùng cho rằng nên rút ngắn thời gian cấp giấy xuống còn 12h đối với luật sư bào chữa cho người bị bắt, người bị tam giữ và 24h đối với luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo kể từ khi nhận được đầy đủ giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận.

Thục Quyên