Xử hình sự nếu cố tình không thi hành án
Thực tế cho thấy việc thi hành án hành chính chưa có luật quy định, chưa xác định được trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự nên trường hợp án có hiệu lực mà người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà nước không thực quyền thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự cũng “không đủ cam đảm” để thực hiện cưỡng chế thi hành.
Đồng thời, hiện nay ở địa phương, Chủ tịch UBND thường là trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự. Nếu Ủy ban nhân dân cùng cấp phải thi hành bản án thì tất yếu dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Do đó, người dân dù có thắng kiện cũng khó được đảm bảo quyền lợi theo đúng bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên và lại gửi đơn kêu cứu khắp nơi, gây mất lòng tin vào cán cân công lý.
Vì vậy, theo ĐB, nên nghiên cứu xây dựng luật về thi hành án hành chính để đảm bảo cho bản án hành chính được thi hành nghiêm chỉnh. Trước mắt, cần tiếp tục rà soát quy định ngay vào luật, biện pháp cụ thể mang tính bắt buộc để đảm bảo thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa án, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước bắt buộc phải thi hành, kể cả phải chịu trách nhiệm hình thức kỷ luật, cách chức, cho thôi việc và xử lý hình sự nếu cố tình không thi hành án.
Ủy quyền xong lại đi xin phép thì không được
Đó là mong muốn của nhiều ĐBQH đối với qui định cho phép người đứng đầu cơ quan nhà nước bị khởi kiện được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, để khắc phục được tính hình thức trong cơ chế đại diện hiện nay, nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án hành chính theo hướng “người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật TTHC”.
ĐB Huỳnh Nghĩa (TP.Đà Nẵng) chỉ ra, thực tế, nhiều thủ trưởng cơ quan nhà nước bị kiện ra Tòa hành chính “tận dụng” qui định cho phép được ủy quyền để ủy quyền cho cấp dưới, nhưng người được ủy quyền “chỉ đến tòa án cho có lệ, không có thẩm quyền quyết định” dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian xét xử, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến án quá hạn luật định…
Để khắc phục tình trạng ủy quyền tùy tiện như thời gian qua, ĐB đề nghị luật cần quy định chặt chẽ theo hướng "Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước chỉ được ủy quyền cho cấp phó có liên quan đến lĩnh vực khởi kiện, có chức năng quản lý về lĩnh vực mà người dân khởi kiện. Riêng đối với UBND các cấp thì Chủ tịch UBND chỉ được ủy quyền cho Phó chủ tịch hoặc ủy viên UBND cùng cấp".
Tuy nhiên, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) chưa yên tâm nếu ủy quyền cho cấp phó “vì cấp phó không phải là người trực tiếp xử lý” mà “nên ủy quyền cho người trực tiếp xử lý quyết định là phù hợp” vì đó là những người xử lý trực tiếp nên nắm chắc công việc nhất, sẽ giải quyết một cách nhanh chóng những vấn đề liên quan trong vụ kiện./.
Huy Anh