Quốc hội biểu quyết thông qua Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

22/06/2015
Sáng nay, ngày 22 tháng 6 năm 2015, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao là 88,87%.

Trước khi biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 điều của dự thảo Luật là Điều 4 về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Điều 35 về đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Điều 146 về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Có 87,85% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định tại Điều 4 của dự thảo Luật, theo đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm:

1. Hiến pháp;

2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội;

3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

7. Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);

10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã);

15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã”.

Có 89,47% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định tại Điều 35 của dự thảo Luật, theo đó cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Đại biểu Quốc hội tự mình hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động. Nội dung Báo cáo đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; các giải pháp để thực hiện chính sách; các tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính, tác động về giới (nếu có). Cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội khi đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh có trách nhiệm nghiên cứu, soạn thảo dự thảo Báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến; phản biện độc lập Báo cáo; tiếp thu, chỉnh lý Báo cáo. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Có 87,85% đại biểu Quốc hội tán thành với quy định tại Điều 146 của dự thảo Luật về các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo đó, Luật quy định 03 trường hợp được ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, bao gồm: (1) Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội; (2) Trường hợp để ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định; (3) Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.

   

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới gồm 17 chương với 175 điều và sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

Dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua trong bối cảnh hệ thống pháp luật cơ bản đã được xây dựng xong trên cơ sở Hiến pháp năm 2013, có sự chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật. Hiến pháp năm 2013 tạo khuôn khổ hiến định rộng lớn cho việc xác định rõ hơn sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; chú trọng công tác hoạch định chính sách, tổ chức thi hành và theo dõi việc thi hành pháp luật, xử lý các văn bản trái pháp luật... Một số điểm mới quan trọng của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này có thể kể đến như hoàn thiện khái niệm văn bản quy phạm pháp luật; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trọng tâm là việc phân tích, đánh giá chính sách, đánh giá tác động, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật; làm rõ hơn thẩm quyền, hình thức văn bản quy phạm pháp luật; mở rộng, phát huy dân chủ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm việc thực hiện quyền sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội; nâng cao giá trị của báo cáo thẩm định, báo cáo thẩm tra... Với những điểm mới đột phá này, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật được kỳ vọng sẽ tạo một khuôn khổ pháp lý với nhiều đổi mới về xây dựng pháp luật nhằm xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nguyễn Thị Phương Liên