Báo cáo kiểm toán của kiểm toán nhà nước có giá trị bắt buộc thực hiện

24/06/2015
Sáng nay – 24/6, Quốc hội đã thông qua Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 chương 73 điều, quy định cụ thể về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTTN), Tổng KTNN, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán gồm đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đối với hoạt động KTNN. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết, Luật cũng quy định rõ báo cáo kiểm toán của KTNN sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Báo cáo kiểm toán của KTTN là căn cứ để: Quốc hội sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định và giám sát việc thực hiện: mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước; chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định phân chia các khoản thu và nhiệm vụ chi giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; mức giới hạn an toàn nợ quốc gia, nợ công, nợ chính phủ; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cơ quan khác của Nhà nước sử dụng trong công tác quản lý, điều hành và thực thi nhiệm vụ của mình; Hội đồng nhân dân sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán, phân bổ và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo thẩm quyền; cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

Theo Luật KTNN (sửa đổi) vừa được thông qua, nhiệm kỳ của Tổng KTNN là 5 năm để phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội./.

H.Giang