Quốc hội thông qua Luật bầu cử: Bảo đảm ít nhất 35% ứng cử viên là nữ

26/06/2015
Luật bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng ngày 25/6 với 449 ĐBQH (tỷ lệ 90,89%), có 10 chương 98 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2015.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý  cho biết, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về việc dự kiến số lượng người được giới thiệu ứng ĐBQH nhưng có ý kiến đề nghị nâng tỷ lệ người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số lên thành 20% -25%; nâng tỷ lệ người ứng cử đại biểu là nữ lên thành 38% -40%.

UBTVQH thấy rằng hiện tại số đại biểu là người dân tộc thiểu số trong Quốc hội mới chỉ đạt 15,6%, số đại biểu là nữ mới đạt 24,4%. Do vậy, Quốc hội cho giữ quy định về tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là phụ nữ. Tuy nhiên, đây chỉ là mức tỷ lệ tối thiểu cần đạt được. Tùy theo tình hình, yêu cầu của từng nhiệm kỳ, từng cuộc bầu cử mà tỷ lệ này có thể được xác định ở mức cao hơn.

Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể tỷ lệ người ứng cử đại biểu HĐND là nữ, là người dân tộc thiểu số tương tự như quy định đối với người ứng cử ĐBQH. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 9 của Luật được chỉnh lý theo hướng bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ.

Đối với số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số tại HĐND từng cấp, từng địa phương thì cần được xác định cụ thể căn cứ theo đặc điểm dân cư, yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương. Do đó, Luật chỉ quy định: “Số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương”.

ĐBQH cũng có ý kiến đề nghị cần có quy định linh hoạt hơn về thời gian kết thúc việc bỏ phiếu. Nhưng UBTVQH nhận thấy, việc kết thúc bỏ phiếu và tiến hành kiểm phiếu sớm tại khu vực bỏ phiếu này có thể sẽ làm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử tại các khu vực bỏ phiếu khác. Do vậy, Luật chỉ  quy định “Việc bỏ phiếu bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước năm giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá chín giờ tối cùng ngày” (khoản 1 điều 71)./.

H.Giang

Mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN tối đa 1%

Dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm có 7 chương, 93 điều được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 88,87% đã bổ sung nhiều chính sách mới so với pháp luật hiện hành.

Đáng chú ý là bổ sung 02 chính sách mới về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, là: hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Luật ghi rõ mức đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN linh hoạt, tối đa 1%; chế độ bảo hiểm về BNN cho người mắc BNN sau khi đã nghỉ hưu hoặc chuyển công việc khác; bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi giao kết nhiều hợp đồng lao động bị TNLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích cho người lao động khi nhận công việc về nhà làm.

Luật cũng thiết lập chặt chẽ hơn hệ thống kiểm soát rủi ro ở các cấp độ: nơi làm việc, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan để hạn chế TNLĐ, BNN, tạo môi trường làm việc, điều kiện làm việc an toàn cho người lao động.

 

Ưu tiên cho lợi ích lâu dài và lợi ích của cộng đồng

Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua sáng 25/6 đã bổ sung nguyên tắc bảo đảm “ưu tiên cho lợi ích lâu dài và lợi ích của cộng đồng” trong phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ theo ý kiến ĐBQH để xử sự khi có xung đột lợi ích, khi có mâu thuẫn lợi ích trước mắt và lâu dài thì ưu tiên đảm bảo lợi ích lâu dài, mâu thuẫn giữa lợi ích của cá nhân và cộng đồng thì ưu tiên cho lợi ích cộng đồng; và bổ sung nguyên tắc “bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, các hệ sinh thái biển, hải đảo”.