LS.Phan Trung Hoài – Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi luật sư, Liên đoàn luật sư Việt Nam cho biết, Ban soạn thảo dự án BLTTHS (sửa đổi) đã tiếp thu ý kiến của Liên đoàn Luật sư Việt Nam và xây dựng một chương riêng về “bào chữa”. Tuy nhiên, Liên đoàn cho rằng, dự thảo chương “bào chữa” chưa đáp ứng và giải quyết được những vướng mắc từ thực trạng pháp luật thực định và thực tiễn hành nghề của các LS khi tham gia bào chữa trong các vụ án hình sự, đặc biệt là vấn đề “quyền im lặng” trong TTHS.
Theo các chuyên gia pháp lý tham dự Hội thảo, pháp luật Việt Nam chưa từng chính thức có qui định về “quyền im lặng” nhưng pháp luật TTHS cũng đã có những qui định gián tiếp thể hiện một số nội dung của quyền này. Tuy nhiên, các qui định của pháp luật TTHS về các quyền của người bị buộc tội, người bào chữa không làm phát sinh nghĩa vụ tương ứng của cơ quan, người tiến hành tố tụng, việc vi phạm các quyền đó không làm phát sinh hậu quả pháp lý nào.
Vì thế, nhiều trường hợp, người tiến hành tố tụng vẫn có những biện pháp gây khó khăn cho người bị buộc tội trong việc thực hiện các quyền được qui định, trong đó có quyền không khai báo nếu không tự nguyện. Thậm chí dẫn đến bức cung, dùng nhục hình và oan sai trong hoạt động TTHS. Còn khi ra tòa xét xử, những trường hợp bị can, bị cáo không trả lời các câu hỏi của người tiến hành tố tụng thường bị coi là “không ăn năn, hối cải” và phải nhận những mức hình phạt nghiêm khắc hơn.
Như vậy, “quyền im lặng” đã được thừa nhận trong thực tế song do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng và cơ chế đảm bảo thực thi nên gần như quyền này không được thừa nhận đúng vị trí, vai trò và phần nào làm hạn chế quyền bào chữa của LS và quyền được có người bào chữa của bị can, bị cáo, người tạm giữ. Do đó, dự thảo sửa đổi BLTTHS lần này đã đề cập đến “quyền im lặng” trong mối quan hệ chặt chẽ của quyền này và nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa như một trong những giải pháp quan trọng để góp phần hạn chế oan, sai trong hoạt động TTHS.
Từ những vướng mắc trong hoạt động nghề nghiệp được các LS “liệt kê” để minh chứng cho việc “có qui định pháp luật về quyền bào chữa song chưa được thực hiện nghiêm đã hạn chế rất nhiều quyền bào chữa của LS và quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo”. Ngoài ra, từ trước đến nay, quyền bào chữa của LS chỉ là quyền phái sinh từ quyền của người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và phụ thuộc hoàn toàn vào quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là trong việc điều tra, thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Đó là hậu quả của việc vai trò người bào chữa, LS chỉ được xếp ở vị trí “bổ trợ tư pháp”, LS chỉ là “người tham gia tố tụng” nên không có vị trí bình đẳng với những người tiến hành tố tụng khác như điều tra viên, kiểm sát viên.
Vì vậy, để thực hiện quyền bào chữa, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhấn mạnh, LS cần có vị thế bình đẳng với những người tiến hành tố tụng là điều tra viên, kiểm sát viên… vì “khi nào LS thoát khỏi “chiếc áo” “bổ trợ tư pháp” thì nguyên tắc tranh tụng trong xét xử mới có thể được thực hiện triệt để” như nhận định của LS.Phan Trung Hoài – Chủ nhiệm Ủy ban bảo vệ quyền lợi LS (Liên đoàn Luật sư Việt Nam).
Ngoài ra, trong quy định của BLTTHS hiện hành và thực tế, quyền gặp, trao đổi, hỏi người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam luôn bị xâm hại nghiêm trọng nhất, đặc biệt trong giai đoạn điều tra. Do vậy, các LS cho rằng, bổ sung quyền này vào dự thảo BLTTHS (sửa đổi) là để thực hiện đầy đủ quyền bào chữa của LS ngay từ giai đoạn đầu của giai đoạn tố tụng và cũng là một trong những cơ chế để bảo đảm cho người bị bắt, người tạm giam, tạm giữ thực hiện được “quyền im lặng” chờ LS./.
H.Giang