Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành

25/11/2014
Thủ tướng phải phê duyệt cả điều lệ một trường đại học thì không phải là công việc Thủ tướng vì Thủ tướng chỉ lãnh đạo chứ không làm quản lý.

Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi): Tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành

Thủ tướng phải phê duyệt cả điều lệ một trường đại học thì không phải là công việc Thủ tướng vì Thủ tướng chỉ lãnh đạo chứ không làm quản lý.

Cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tại hội trường chiều qua (21/11), Đại biểu quốc hội (ĐBQH) còn nhiều băn khoăn vì dự thảo qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quá nhiều, quá miên man, chi tiết khiến Thủ tướng “không nhớ nổi mình được làm gì” nhưng vẫn đề nghị qui định giao thêm thẩm quyền cho Thủ tướng trực tiếp giải quyết những vấn đề “gay cấn”.

“Cái gì cũng lên Thủ tướng”

Cơ bản tán thành quy định trong dự thảo về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo, một số ĐBQH cho rằng, các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ cần đặt trong mối quan hệ với nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ. Mặt khác, cần phân biệt với các thành viên khác của Chính phủ để “khắc phục được tình trạng dồn trách nhiệm lên Thủ tướng Chính phủ như trong thời gian qua”. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nhận xét, qui định về chức năng của Thủ tướng Chính phủ trong dự thảo Luật quá nhiều, “nếu cứ phải làm những việc cụ thể như vậy thì không phải là công việc của Thủ tướng vì Thủ tướng chỉ lãnh đạo chứ không làm quản lý”.

Dẫn ví dụ về việc tình trạng “lạm phát” cấp phó thời gian qua chưa được xử lý dứt điểm do “bùng nhùng” về trách nhiệm của Bộ Nội vụ và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định cấp phó, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng, cần giao thêm thẩm quyền để Thủ tướng Chính phủ có thể trực tiếp giải quyết những vấn đề “gay cấn” để tránh hạn chế trong trách nhiệm phối hợp của các Bộ, không để kéo dài tình trạng chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm khiến nhiều việc bị xử lý chậm, kém hiệu quả. Tương tự, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cũng nhận thấy, hiện nay “cái gì cũng lên Thủ tướng” dù luật đã qui định rõ trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành nên dự thảo Luật cần làm rõ thẩm quyền giữa Thủ tướng và Bộ trưởng, trưởng ngành.

Bên cạnh đó, ĐB Lò Hải Ươi (Lai Châu) đề nghị, cần qui định rõ “những vấn đề thuộc về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng thì Thủ tướng phải báo cáo trước nhân, những vấn đề thuộc Chính phủ thì Thủ tướng có thể trực tiếp hoặc ủy nhiệm cho Chủ nhiệm Văn phòng Chính  phủ báo cáo trước nhân dân” nhưng ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) cho rằng, Hiến pháp đã quy định về trách nhiệm báo cáo trước nhân dân của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật này phải “cụ thể hóa các trường hợp Thủ tướng Chính phủ Thực hiện chế độ báo cáo trước Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng” chứ không nhắc lại trách nhiệm này một cách chung chung. Còn ĐB Trần Thị Quôc Khánh (Hà Nội) cho rằng, phải sắp xếp lại chức năng của Thủ tướng, trong đó “chức năng bổ nhiệm, cách chức  của Thủ tướng phải rõ. Hiện chưa có nên muốn bổ nhiệm, cách chức cá nhân nào lại phải hỏi rất lâu, đợi chờ rất nhiều”.

Chưa đề cập thỏa đáng trách nhiệm của Thủ tướng và Chính phủ

ĐB Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, dự thảo Luật “chưa đề cập thỏa đáng trách nhiệm của Thủ tướng, Chính phủ trên ba phương diện với Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước và Nhân dân” nên đề nghị phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng và Chính phủ, trong đó cần quan tâm đến 2 nhiệm vụ của Chính phủ là quyền thay mặt Nhà nước đại diện sở hữu toàn dân đối với tài nguyên thiên nhiên, tài sản của đất nước và trách nhiệm trình chương trình, dự án Luật ra Quốc hội, trình Chủ tịch nước đề nghị phong, thăng, giáng quân hàm cấp tướng… ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) kiến nghị, dự thảo Luật cần có những qui định rõ các cơ chế mối quan hệ giữa chính quyền TƯ và chính quyền địa phương, làm rõ trách nhiệm công vụ của Chính phủ và chính quyền địa phương để khi có vấn đề dễ dàng xác định trách nhiệm, không chồng chéo công việc giữa Chính phủ và địa phương.

Một số ĐBQH nhận thấy, một vấn đề quan trọng liên quan đến chức năng, quyền hạn của Chính phủ mà dự thảo Luật phải làm rõ là “vai trò của Chính phủ trong cơ chế bảo hiến”. ĐB Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị cụ thể hóa quyền hạn của Chính phủ trong việc kịp thời phát hiện những hành vi vi hiến và vi phạm pháp luật. Đồng thời, ĐBQH đề nghị, qui định rõ cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ, làm rõ hơn vị trí quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, nhất là trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trên cương vị người đứng đầu, tránh đùn đẩy trách nhiệm giữa các Bộ, ngành.

Theo quan điểm ủng hộ qui định “cứng” số Bộ, cơ quan ngang Bộ trong dự thảo, ĐBQH cho rằng, qui định cụ thể số Bộ đảm bảo tính ổn định tính ổn định của bộ máy, nhưng để đảm bảo tính linh hoạt cho từng thời kỳ có thể qui định “mở” cho Chính phủ trình Quốc hội việc thành lập, sáp nhập Bộ, cơ quan ngang Bộ. Ngược lại, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) không tán thành ghi tên các Bộ trong dự thảo luật vì “sắp hết nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII và phải đánh giá lại quan điểm “quản lý đa ngành, đa lĩnh vực” trước khi xác định cơ cấu Chính phủ mới, “chứ hiện chúng ta thực hiện chủ trương thu gọn đầu mối cấp Bộ nhưng lại “nở” Tổng cục thuộc Bộ khiến nhiều lĩnh vực bị “bỏ quên” trong quá trình quản lý”.  

Trung tướng Bế Xuân Trường (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn): Tiền không thay thế được nghĩa vụ quân sự

Trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận sáng qua (21/11), Trung tướng Bế Xuân Trường (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) khẳng định, “không thể thay thế NVQS bằng đóng tiền”.

- Ông đánh giá như thế nào về qui định gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi đối với công dân học xong đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong dự án Luật NVQS (sửa đổi)?

- Tôi cho rằng, qui định như vậy sẽ huy động được đội ngũ tri thức vào phục vụ quân đội, nhất là đối với nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực ngành nghề, chuyên ngành mà quân đội chưa đào tạo được. Đây cũng là nguồn cho đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp sau này.

- Theo ông, có hiện tượng “chạy” để trốn tránh NVQS như phản ánh của dư luận không?

- Theo tôi là có nhưng số này không lớn vì đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm và quy trách nhiệm cho người đứng đầu Hội đồng tuyển chọn NVQS rồi. Nếu để lọt người không đủ tiêu chuẩn vào quân ngũ hoặc người đủ tiêu chuẩn nhưng không thực hiện NVQS do gian lận thì chủ tịch Hội đồng tuyển chọn sẽ bị kỷ luật nghiêm. Như vậy sẽ loại bỏ được tiêu cực trong việc tuyển chọn NVQS.

- Quan điểm của ông về việc “đóng tiền” thay thế thực hiện NVQS như thế nào?

- Tôi phản đối quan điểm này và về phía Ban soạn thảo chắc chắn cũng không đồng ý. Không thể dùng tiền thay thế, vì đây ngoài trách nhiệm của công dân, còn là nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Đã là trách nhiệm thiêng liêng, cao cả của mỗi công dân thì không thể dùng tiền thay thế được. Thay thế NVQS bằng tiền là sai hoàn toàn về bản chất. Còn các hình thức hoạt động công ích như thanh niên hỏa tiễn, xung phong, đắp đê… thì theo tôi có thể cân nhắc để vận dụng linh hoạt, hợp lý.

- Ông có đồng tình với quan điểm cần giảm đối tượng được tạm hoãn thực hiện NVQS trong thời bình, trong đó có trường hợp “có đơn xin tạm hoãn thực hiện NVQS do hoàn cảnh gia đình”?

- cơ bản tôi đồng thuận thu hẹp đối tượng tạm miễn, tạm hoãn là để tạo công bằng xã hội. Riêng đối với trường hợp làm đơn xin tạm hoãn như đã quy định trong dự thảo luật thì cũng phải đảm bảo thực hiện “thấu tình đạt lý”, nếu không sẽ tạo ra sự mất công bằng trong xã hội.

- Vậy còn với đối tượng đi học nước ngoài “quên luôn” NVQS thì theo ông phải xử lý thế nào?

- Luật NVQS chưa đề cập đến việc thực hiện NVQS của học sinh, sinh viên đi học ở nước ngoài trong chương trình nhà nước hoặc tự túc nhưng các đối  tượng này sẽ được quản lý bởi nhiều luật khác liên quan.

- Xin cảm ơn ông!.

H.Giang