Mô hình chính quyền địa phương: Cơ sở “mập mờ” nên khó quyết

25/11/2014
Đề nghị giữ nguyên cấp chính quyền địa phương (CQĐP) như hiện nay, gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) nhưng phải giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến HĐND, nhất là vấn đề thực quyền trong hoạt động.

Đa số ĐBQH đã bày tỏ đồng tình giữ nguyên mô hình CQĐP như hiện nay mà không lựa chọn phương án không tổ chức HĐND ở quận, phường như một phương án của Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Tổ chức CQĐP được thảo luận sáng qua (24/11). Một trong những lý do là “Hiến pháp 2013 đã qui định cụ thể về CQĐP phải có HĐND và UBND, khép lại những tranh cãi về việc tổ chức hay không HĐND ở một số đơn vị hành chính”.

HĐND là thể hiện tính nhân dân

Là một trong những ĐBQH đồng tình giữ nguyên mô hình CQĐP hiện nay đều cho rằng, ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) nhận thấy, cơ sở lý luận và thực tiễn Chính phủ đưa ra “chưa đủ sức thuyết phục để không tổ chức HĐND ở quận, phường”. Theo Chính phủ, phương án không tổ chức HĐND ở quận, phường là để phân biệt mô hình tổ chức CQĐP đô thị và nông thôn. Song ĐBQH cho rằng, nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính nào đó là bỏ đi một thiết chế dân chủ, gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn là HĐND là “đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân”, mất đi tính đại diện của cử tri, việc giám sát hoạt động của UBND, tính dân chủ trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương…

Bên cạnh đó, không thể vì quá đề cao chức năng quản lý hành chính nhà nước mà để phai mờ tính nhân dân của chính quyền, mà chỉ có thể làm sâu sắc thêm tính nhân dân của chính quyền nhà nước. Từ đó, ĐB Triệu Là Phan (Hà Giang) cương quyết, “không thể không có HĐND vì không có HĐND sẽ không đảm bảo tinh thần nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua HĐND”.

Nhiều ĐBQH nhận thấy, trong tổ chức bộ máy nhà nước, không thể nơi có nơi không có HĐND, sẽ gây nhầm lẫn, thiếu rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của UBND do HĐND bầu với UBND không do HĐND bầu và UBND nơi không có HĐND liệu có phải chỉ là “cánh tay nối dài” của chính quyền cấp trên là không thể hiện được nguyên tắc phân cấp, phân quyền của tổ chức Nhà nước. ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, khi song song tồn tại hai loại hình UBND do và không do HĐND bầu nhưng qui định chưa rõ ràng như dự thảo Luật khiến nhầm lẫn, không thống nhất, khó khăn trong cách hiểu và qui định chức năng, quyền hạn giữa UBND.

Vì thế, đề nghị giữ nguyên cấp CQĐP gồm HĐND và UBND vì phù hợp với điều kiện hiện nay nhưng nhiều ĐBQH nhấn mạnh, “phải giải quyết những vấn đề tồn tại liên quan đến hoạt động của HĐND, nhất là vấn đề thực quyền trong hoạt động của HĐND, vì hiện chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân về CQĐP”.

Không nên thức tổ chức hình thức

Có ý kiến cho rằng, hoạt động của HĐND quận, phường chỉ là “khâu trung gian”, hiệu quả rất thấp và chỉ mang tính hình thức. Nhưng với ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), hoạt động của HĐND bị coi là hình thức là chưa trao cho HĐND những cơ chế, công cụ, biện pháp đủ mạnh, sắc bén và hữu hiệu để thực hiện chức năng của mình. Do đó, một số ĐBQH đề nghị dự thảo Luật cần tăng cường và nâng cao vị ví, vai trò của HĐND các cấp trong việc quyết định những nhiệm vụ trọng yếu, đặc biệt là phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các nhiệm vụ, quyền hạn, được phân cấp cả về quy định tổ chức bộ máy biên chế, cơ chế phân bổ và huy động các nguồn lực để đảm bảo thực hiện các yêu cầu nhiệm vụ phù hợp với điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.

Từ góc độ muốn tăng hiệu quả hoạt động HĐND thì phải “nâng quyền của HĐND nếu không nâng được thì không nên tổ chức hình thức”, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) làm rõ, những vấn đề gì còn tồn tại trong mô hình tổ chức HĐND, UBND là xác định địa vị pháp lý của chính quyền địa phương (trước đây gọi là HĐND và UBND) trong hệ thống nền hành chính quốc gia; chồng chéo công vụ, không rõ trách nhiệm do chưa phân định rõ công vụ của các cấp CQĐP và TƯ, quyền tự quản và tự chủ của HĐND “phải chế định rất rõ ràng trong luật này, không nên tránh né”. Và “phải đi từ gốc vấn đề như vậy mới giải quyết được bài toán chứ giờ không có cơ sở đề bàn có hay không có HĐND quận, phường” – ĐB đề nghị.

ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) tán thành tiếp tục nghiên cứu để có thể lựa chọn Phương án quận, phường không có HĐND vì phương án này phù hợp đặc điểm dân cư ở đô thị và việc quản lý của chính quyền đô thị, tránh phân chia thẩm quyền cấp chính quyền quá nhỏ đến phường sẽ dẫn đến tình trạng vừa chồng chéo vừa cát cứ, không đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân trong việc phát triển ngành, lĩnh vực, cũng như việc cung ứng và tiếp cận đầy đủ các dịch vụ cơ bản của xã hội.

Cùng với một số ĐB tán thành phương án ở đô thị chỉ có duy nhất một cấp chính quyền này, ĐB đề nghị tăng thẩm quyền trách nhiệm và số lượng đại biểu HĐND của đơn vị hành chính cấp trên phường, quận, tức là thị xã hoặc thành phố, để đảm bảo định hướng, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách vận hành và thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của UBND ở các đơn vị trực thuộc không có HĐND. Quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp trên chuyên sâu hơn, thẩm quyền rõ hơn để định hướng, hướng dẫn UBND cấp trực thuộc. Thực hiện bầu cử Chủ tịch UBND các phường, quận không có tổ chức HĐND thông qua nguyên tắc bầu cử trực tiếp phổ thông đầu phiếu để thực hiện quyền lực của nhân dân./.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên): “Hiện nay một trong những nguyên nhân của tình trạng kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, tính thượng tôn pháp luật chưa cao là “không rõ trách nhiệm của người đứng đầu và yếu kém trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành ở trung ương và các sở, ngành ở địa phương”. Nhưng dự luật thì chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, của Chủ tịch UBND mà chưa thấy quy định trách nhiệm ở đâu. Vì vậy, dự luật lần này cần thiết kế các điều luật để khắc phục những vấn đề trên vì quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng phải lớn”.

ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh): “Hiện có 2 bộ máy của Đảng và Nhà nước cùng thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý với các quy trình, thủ tục, đường lối xử lý khác nhau, dẫn đến sự cồng kềnh, chồng chéo về tổ chức, đông về biên chế và rườm rà về thủ tục dẫn đến hiệu quả chưa cao. Trong lúc bàn về Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội không né tránh mà cần nghiên cứu kỹ, định hướng rõ ràng về cơ chế, hoạt động, nhất thể hóa chức danh, hợp nhất các cơ quan của Đảng gắn với cơ quan của nhà nước theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vừa đảm bảo sự tinh gọn, vừa thực hiện sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và hoạt động của Đảng viên, vừa tiết kiệm nguồn lực của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân”.

Huy Anh