Quốc hội thảo luận Luật Ban hành văn bản pháp luật: Đề xuất lập cơ quan chuyên soạn thảo văn bản pháp luật

28/11/2014
Hôm qua 27/11, thảo luận tại hội trường về dự thao Luật Ban hành văn bản pháp luật, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐB) đánh giá cao quy định thu gọn chủ thể ban hành văn bản; quy trình bắt buộc xây dựng chính sách trước khi soạn thảo văn bản; cũng như việc lấy ý kiến nhân dân...Tuy nhiên, nhiều ĐB đề nghị các quy định này phải rõ ràng, đảm bảo tính khả thi.

Thiếu định hướng khiến cho người soạn thảo như "đẽo cày giữa đường".

ĐB Vũ Tiến Lộc, Thái Bình đánh giá cao những điểm mới của dự thảo luật, đặc biệt việc bổ sung quy trình thảo luận về chính sách của văn bản pháp luật. Theo ĐB Lộc “Luật hiện hành không có giai đoạn định hình chính sách cho mỗi văn bản pháp luật. Điều này khiến cho các dự thảo không có định hướng chính sách rõ ràng. Việc thiếu định hướng khiến cho người soạn thảo giống như "đẽo cày giữa đường". Tuy nhiên, ĐB Lộc chưa bằng lòng vì “dự thảo không định nghĩa chính sách là gì, gồm những nội dung nào, căn cứ vào đâu để đánh giá chính sách, do đó, dự thảo cần làm rõ”

Cùng về xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến các dự án luật, ĐB Ngô Đức Mạnh, Bình Thuận cho rằng “nếu chúng ta làm chặt, làm rõ về nội dung chính sách từ đầu vào thì rất quan trọng, nhưng không chỉ ở giai đoạn trình kiến nghị về luật mà đó là cả một sợi dây kết nối liên thông như sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ việc hình ảnh, ý tưởng (hình thành ý tưởng) đến việc thẩm định, thẩm tra và ra đến Quốc hội và đến khi dự án luật thông qua, có thể coi là chính sách mới hoàn thiện”. Vì lý do này, ĐB kiến nghị “cần phải phát huy vai trò của Hội đồng thẩm định nhất là của Bộ Tư pháp”.

Với nhiều gợi ý từ quy trình xây dựng chính sách, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng lại có góc nhìn khác căn cơ về đội ngũ cán bộ. “Cần nhanh chóng đào tạo và xây dựng đội ngũ chuyên về soạn thảo văn bản pháp luật và xác định đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Trong khi chưa có nhiều chuyên gia giỏi về soạn thảo văn bản pháp luật thì việc soạn thảo nên tập trung về một mối và có thể là thành lập một cơ quan chuyên soạn thảo văn bản pháp luật thuộc Chính phủ hoặc thuộc Bộ Tư pháp. Các bộ, ngành chỉ làm nhiệm vụ nghiên cứu và phân tích chính sách. Khi chính sách đã được Chính phủ quyết định thì sẽ chuyển về cơ quan chuyên môn này để dịch thành pháp luật”. ĐB Thúy đề xuất.

Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan

Thảo luận về dự án luật một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là việc lấy ý kiến nhân dân và các tổ chức liên quan trong quá trình xây dựng văn bản. ĐB chỉ ra rằng hiện nay việc lấy ý kiến nhiều khi vẫn là hình thức, khó tiếp cận. Vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Huệ Đăk Lăk đề nghị “đối với người dân cần có quy trình cụ thể về việc lấy ý kiến của đại diện các đối tượng chịu sự tác động của pháp luật sẽ được ban hành, không nên quy định chung chung việc lấy ý kiến qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Còn đối với doanh nghiệp, cần tiếp tục việc lấy ý kiến trực tiếp của đại diện cộng đồng doanh nghiệp thông qua tổ chức VCCI như hiện nay để bảo đảm thiết thực, hiệu quả.”

Cùng với việc lấy ý kiến còn hình thức, nhiều ĐB còn nêu những bất cập khi hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng giải trình về những vấn đề tiếp thu hay không tiếp thu ý kiến của người dân. ĐB Trần Hồng Thắm, Cần Thơ rốt ráo (cho biết) “dự luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức lấy ý kiến, phải công khai ý kiến đóng góp với thời lượng cụ thể phù hợp và việc tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp đó phải theo cơ chế công khai, minh bạch. Đặc biệt cần chú ý quy định rõ trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, phải tiếp tục lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động khi dự thảo đã có những nội dung thay đổi lớn, có nhiều tác động đến đối tượng điều chỉnh”.

Dự án Luật Ban hành văn bản pháp luật sẽ được tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý để Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp sau.

ĐB Nguyễn Doãn Khánh, Phú Thọ: Tôi đề nghị không nên quy định cho cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền ban hành văn bản, vì đây là cấp không được phân cấp ra chính sách nên không có nhu cầu thể chế hóa chính sách thành pháp luật. Mặt khác, trên thực tế nhóm này cũng không có thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật mới. Cho nên, việc ban hành văn bản trên thực tế là sao chép một cách không đầy đủ các quy phạm pháp luật từ các văn bản trung ương và cơ quan cấp trên. Dẫn đến việc chồng chéo nhiều lượng văn bản chúng ta không kiểm soát được, tình trạng vi hiến, vi phạm pháp luật thì khá phổ biến.

ĐB Bùi Văn Xuyền, Thái Bình: Tôi tán thành với phương án 1: để tiếp tục thu gọn hình thức văn bản pháp luật và thu hẹp thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật của một số chủ thể cơ quan, đồng thời đơn giản hóa hệ thống pháp luật, làm cho hệ thống pháp luật dễ tiếp cận, dễ áp dụng, dễ tuân thủ bởi chi phí thấp, khắc phục được hệ thống pháp luật rườm rà, phức tạp như hiện nay thì không quy định hình thức văn bản nghị quyết liên tịch, thông tư liên tịch. Không quy định việc ban hành thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước, hình thức chỉ thị của Ủy ban nhân dân.

ĐB Nguyễn Văn Pha, Nam Định: Theo Điều 5 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quan hệ giữa Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là quan hệ phối hợp. Trên cở sở quy chế phối hợp công tác, việc ban hành các nội dung liên tịch là nhằm đưa quan hệ phối hợp giữa 2 bên vào một khuôn khổ pháp lý chung mà thôi. Hơn 10 năm qua hình thức văn bản pháp luật này đã thực sự phát huy tác dụng quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội của đất nước, rất cần được tiếp tục duy trì. Chúng tôi thấy việc giữ lại hình thức văn bản pháp luật này chỉ có tốt và không hề làm cồng kềnh thêm hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta. Vì vậy, tôi đề nghị Quốc hội không chấp nhận việc bãi bỏ hình thức văn bản pháp luật này, nghiên cứu để đưa cả hình thức liên tịch giữa Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào phạm vi điều chỉnh của luật này.

Thu Hằng